Thừa Thiên Huế giải thích lý do chọn công ty Hong Kong trúng thầu nhà máy rác hơn 1.600 tỷ đồng

Văn Dinh| 09/12/2019 14:52

(TN&MT) - Công ty China Everbright International Limited (Hong Kong) đã trúng thầu Nhà máy xử lý rác Phú Sơn (xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hiện dự án đang triển khai các thủ tục để xây dựng vào đầu năm 2020. Tuy nhiên dư luận thời gian qua băn khoăn về việc trúng thầu cũng như chất lượng nhà đầu tư.

Liên quan đến vấn đề “Huế xây dựng nhà máy xử lý rác hơn 1.600 tỷ đồng” khiến dư luận băn khoăn thời gian gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, cần phải tiến hành lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị (bên mời thầu) đã triển khai các bước để lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn qua các bước đúng quy trình.

Ở bước lựa chọn công nghệ có 19 đơn vị nhận được hồ sơ mời thầu; trong đó có 16 đơn vị là các nhà đầu tư/nhà sản xuất trong nước và quốc tế tham gia nộp hồ sơ quan tâm theo đúng quy định. Các dây chuyền công nghệ của các nhà đầu tư được xếp theo 4 nhóm gồm: Nhóm công nghệ chính là đốt; nhóm công nghệ chính xử lý lò Plasma; nhóm công nghệ chính sử dụng khí hóa thông thường và nhóm xử lý rác theo dạng tổ hợp tạo ra các sản phẩm: phân vi sinh, gạch, than sinh học...

Lượng rác ở Thừa Thiên Huế ngày một quá tải

Trên cơ sở kết quả đánh giá của Tổ kỹ thuật có tham vấn ý kiến của Chuyên gia Jica - Nhật Bản và Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định kết quả lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, ngày 19/10/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt lựa chọn công nghệ áp dụng cho nhà máy là công nghệ Đốt rác - Phát điện bằng lò ghi đa cấp.

Ngày 27/11/2017, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt danh sách ngắn các nhà đầu tư/nhà sản xuất tham gia bước lựa chọn công nghệ có hồ sơ quan tâm hợp lệ và có công nghệ trên gồm: Công ty China Everbright Intenational Limited; Công ty Hitachi Zosen Corporation; Công ty China ENFI Engineering Corporation và Công ty Keppel Seghers PTE.LTD.

Trong bước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng, có 3 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu gồm Công ty China Everbright International Limited, Công ty China ENFI Engineering Corporation và Công ty Hitachi Zosen Corporation, Trong đó, chỉ công ty China Everbright International Limited nộp hồ sơ dự thầu.

“Tổ kỹ thuật và tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu của China Everbright Intenational Limited đáp ứng các yêu cầu theo quy định của hồ sơ mời thầu, kiến nghị bên mời thầu trình thẩm định, phê duyệt lựa chọn công ty này làm nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn. Ngày 15/10/2018, tỉnh có quyết định phê duyệt Công ty China Everbright International Limited trúng thầu dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phú Sơn”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận.

Mức đầu tư “khủng”

Dự án Nhà máy xử lý rác Phú Sơn có công suất 600 tấn/ngày đêm; công suất phát điện từ 12MW; diện tích sử dụng đất 11,2ha; tỷ lệ chôn lấp sau xử lý < 7% so với trọng lượng rác ban đầu (bao gồm tro bay và tro xỉ). Công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp - phát điện phù hợp với Quy chuẩn QCVN 61-MT/2016/BTNMT quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong khí thải lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.

Thời gian hoạt động của dự án 25 năm. Thời gian kết thúc dự án tối đa đến năm 2044. Tổng mức đầu tư dự án là 1.694 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất 600 tấn rác/ngày đêm. Dự án do một công ty Hong Kong trúng thầu

Hiên nhà đầu tư đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng thực hiện đầu tư dự án, hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đang triển khai các thủ tục về đầu tư, bao gồm lập Quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc phạm vi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, lập bổ sung quy hoạch Điện lực quốc gia dự án đốt rác sinh hoạt phát điện xã Phú Sơn...

Theo đánh giá của Tổ kỹ thuật và ý kiến tham vấn của chuyên gia Jica, công nghệ đốt rác - phát điện này có một số ưu điểm qua dây chuyền công nghệ: Rác thải sinh hoạt được đưa vào bể chứa rác, ủ từ 5-7 ngày trong điều kiện áp suất âm, từ bể chứa rác tách nước rỉ từ rác thu gom đưa về trạm xử lý nước thải, khí và mùi hôi được hút đưa vào lò đốt; rác đưa đến lò đốt bằng băng tải, lò đốt dạng ghi đa cấp; nhiệt từ quá trình đốt rác chuyển qua nồi hơi quay turbin điện phát điện; khí thải từ lò đốt rác qua tháp phản ứng để xử lý (phương pháp phun vôi, than hoạt tính), qua túi vải xử lý tro bay, sử dụng máy hút khói thải ra ngoài bằng ống khói; tro xỉ từ lò đốt được băng tải chuyển đến nơi xử lý, chế tạo gạch.

Tất cả hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ từ khâu nhận rác đến kết thúc sau quá trình xử lý được đặt trong nhà bao che kiên cố; hệ thống dây chuyền công nghệ được tự động hóa.

Trao đổi với PV về một số ý kiến quan ngại liệu nhà máy có những tác động đến môi trường khi vị trí xây dựng gần thượng nguồn sông Hương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay vị trí quy hoạch xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn không thuộc lưu vực thượng nguồn sông Hương. Mặt khác, đối với công nghệ của nhà máy đã được lựa chọn thì việc kiểm soát khí thải, nước thải ra môi trường phải được giám sát chặt chẽ; nước thải từ quá trình tiếp nhận rác, xử lý rác... đều được thu gom và xử lý để tuần hoàn sử dụng cho hoạt động của nhà máy. Trong trường hợp có thải ra môi trường phải đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam; đảm bảo nước thải sau khi xử lý thải vào lưu vực nước sông dùng cho cấp nước sinh hoạt. 

"Hệ thống quan trắc nước thải, khí thải sau khi xử lý phải đảm bảo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan trắc kiểm tra, giám sát thông qua cổng thông tin riêng liên kết với mạng lưới giám sát môi trường của bộ. ngành, địa phương, thuận tiện trong việc giám sát quản lý trực tuyến của Chính phủ. Đồng thời, hệ thống giám sát còn có thể liên kết với hệ thống DCS hoặc hệ thống SIS có thể thực hiện việc giám sát từ xa. Trên lối vào nhà máy sẽ đặt một màn hình hiển thị các thông số về chỉ số khí thải, nước thải thoát ra để người dân giám sát...”, bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế giải thích lý do chọn công ty Hong Kong trúng thầu nhà máy rác hơn 1.600 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO