Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp gặp khó trước đại dịch Covid - 19

Văn Dinh| 11/03/2020 07:42

(TN&MT) - Dịch bệnh Covid - 19 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó trong xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc. Tỉnh Thừa Thiên Huế đang tìm nhiều giải pháp đễ tháo gỡ...

Các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ giao thông vận tải, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, dệt may... là các nhóm doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế hiện đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch virus Corona. Trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp tại Huế tham gia xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu mặt hàng dệt may, dăm gỗ, tôm đông lạnh...

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 36,02/952 triệu USD kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, với các mặt hàng cụ thể như tôm thẻ nguyên con hấp đông lạnh đạt 0,98 triệu USD, hạt dẻ cười đạt 1,8 triệu USD; các mặt hàng xơ, sợi, dệt, áo quần may sẵn các loại đạt 21 triệu USD, dăm gỗ keo đạt 12,3 triệu USD...

Mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn

Dự kiến, vì đại dịch Covid - 19 tác động nên ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hụt thu 1.000 tỷ đồng trong năm nay, cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thặng - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế (huyện Phú Lộc) thông tin rằng, hàng năm Pisico Huế thu mua hơn 400.000 tấn gỗ keo để sản xuất, chế biến cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 30%, còn lại xuất đi Nhật Bản.

“Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid - 19 nên sức mua hàng chậm lại, giá cả giảm 8 - 10 % so với trước dịch dẫn đến hàng hóa ứ đọng, tồn kho nhiều. Doanh thu năm nay giảm nặng. Hiện chúng tôi cũng đang cầm chừng để duy trì bộ máy. Mong nhà nước giảm lãi suất vay, không đánh thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ...”, ông Thặng chia sẻ.

Không chỉ lâm sản, nhiều mặt hàng khác như nông sản, thủy sản, dệt may… ở Thừa Thiên Huế ít nhiều cũng đang gặp khó trong việc xuất, nhập khẩu ở những thị trường rộng lớn như Trung Quốc. Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã nhập khẩu khoảng 30,68 triệu USD nguyên liệu xơ sợi, dệt may từ Trung Quốc; hơn 5,12 triệu USD nhập khẩu hàng máy móc, linh kiện, các sản phẩm khác như bu lông, đai ốc, keo sika, ống mềm cao áp.

Theo bà Lê Thị Lương - lãnh đạo Công ty CP Sợi Phú Nam (KCN Phú Bài), hiện vải có thể nhập từ các nước ngoài Trung Quốc, nhưng các phụ kiện như cúc, chỉ, dây kéo... lâu nay các doanh nghiệp gần như nhập 100% từ Trung Quốc nên nếu đầu quý II/2020 dịch bệnh chưa chấm dứt, các nhà máy may sẽ thiếu hụt nguyên phụ liệu và tất nhiên, lĩnh vực sản xuất sợi cũng sẽ ảnh hưởng bởi sợi là khâu đầu tiên để sản xuất vải, sau đó mới đưa đến dệt và đáp ứng nguyên liệu cho ngành dệt may.

Nguyên liệu các nhà máy may dự kiến thiếu hụt

Về hàng hải, nhiều chuyến tàu du lịch quốc tế đã xác nhận hủy chuyến, không cập cảng Chân Mây trong tháng 3 này. Trước đó, cũng có một số tàu hủy chuyến không đến cập cảng vào trung tuần tháng 2/2020.

Ông Huỳnh Văn Toàn - Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho hay, thông thường, các tàu du lịch khi có kế hoạch đưa du khách quốc tế đến tham quan bằng cảng biển thì phải ký hợp đồng trước đó 1 - 2 năm. Bây giờ, dịch bệnh bùng phát, nhiều du khách lo lắng nên bỏ tour, vì vậy các tàu du lịch phải thay đổi kế hoạch. Dự kiến sẽ có thêm nhiều tàu du lịch sẽ thông báo đến Cảng hủy chuyến trong thời gian tới.

“Việc các tàu xác nhận đến Cảng hủy chuyến vì do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 đều được phía Cảng đồng tình, chia sẻ bởi tính mạng du khách, thủy thủ phải được đặt lên hàng đầu. Và, tất nhiên, việc nhiều tàu du lịch hủy chuyến sẽ gây thiệt hại không nhỏ đối với công ty”, ông Toàn chia sẻ.

Trước khó khăn về nguồn hàng cả xuất và nhập khẩu, ngành Công thương Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề ra những giải pháp trước mắt, lâu dài.

Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết đang phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường, tiến đến xuất khẩu bền vững.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất tỉnh nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm giá tham quan di tích, xem xét miễn giảm lệ phí, thủ tục cho khách quốc tế, cho Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch. Đề nghị Chính phủ và ngành ngân hàng nghiên cứu các gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ; có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, giãn thời gian đóng BHXH...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Thiên Định cho rằng, tình hình dịch Covid - 19 tương đối phức tạp. Vì vậy, những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt cũng đi liền với cơ hội, bài học để hoàn thiện hơn công tác quản trị doanh nghiệp. Bài học không chỉ hiện tại mà còn cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tất cả những thách thức sẽ tạo ra sự thiệt hại cho tổng thể nền kinh tế. Nhưng nếu biết ứng xử, sẽ tạo ra lợi ích cho mình. Có thể lợi ích đó nằm ở góc độ kinh tế hay bài học về quản trị. Điều đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp Huế đang nhìn nhận những thách thức này dưới góc độ tương đối lạc quan và tích cực...

“Mong các doanh nghiệp chú trọng hơn việc quản trị doanh nghiệp, “bồi bổ” sức khoẻ cho bản thân cũng như doanh nghiệp, xây dựng kịch bản thực sự để có sự chủ động trong bị động, tư duy lại sản phẩm mới, phù hợp với thị trường, xây dựng chiến lược ứng phó sau mùa dịch bệnh. Qua đó, cùng nhau tạo được cộng đồng doanh nghiệp tốt , có sức đề kháng thực sự tốt để vượt qua khó khăn”, ông Phan Thiên Định nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp gặp khó trước đại dịch Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO