Dân “kêu cứu” vì ô nhiễm
Nhận được phản ánh của người dân thuộc phường Thủy Phương và Thủy Dương về tình trạng ô nhiễm môi trường do cơ sở tái chế nhựa Phạm Văn Việt (thuộc tổ 12, phường Thủy Phương) gây ra trong thời gian dài, khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Cở sở tái chế nhựa Phạm Văn Việt đóng trên địa bàn tổ 12 phường Thủy Phương gây ô nhiễm trong thời gian dài. |
PV Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đã có mặt tại địa chỉ trên để ghi nhận và nhận thấy bức xúc của người dân là có căn cứ. Theo quan sát, cở sở này nằm lọt thọt giữa khu dân cư, không xây tường rào bao quanh. Dù thời điểm PV có mặt, cơ sở này vẫn chưa hoạt động nhưng mùi hôi thối từ những “núi chất thải” đỗ tràn ra ngoài trong nơi sản xuất khiến chúng tôi không thể chịu nổi. Càng đi sâu vào cơ sở tái chế nhựa mùi khét, hắc càng nồng nặc hơn.
Người dân nơi đây cho biết, trước đây vùng quê bình yên này không khí rất trong lành thoáng đảng. Thế nhưng, từ khi cơ sở tái chế nhựa Phạm Văn Việt này đưa về đây hoạt động thì nơi đây bao trùm một không khí ngột ngạt, khét rẹt mùi nhựa tái chế. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của hàng chục hộ dân nơi đây.
Người dân bức xúc trao đổi về tình trạng ô nhiễm từ cơ sở tái chế nhựa. |
Ông Đ.V.T. (58 tuổi, phường Thủy Phương) bức xúc cho biết, người dân nơi đây phải sống chung với không khí ô nhiễm đã hơn 3 năm nay. Cơ sở này thời gian gần đây ‘làm nên ăn ra’ nên hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm.
“Khổ lắm chú à! Những khi công nhân nấu nhựa, mùi khét nồng nặc bốc lên rồi bay thẳng vào nhà dân khiến chúng tôi không tài nào chịu được, ngửi lâu là thấy chóng mặt, buồn nôn. Mặc dù chúng tôi luôn đóng kín cửa nhưng vẫn không hết được mùi hôi từ khói độc, ngửi thứ khói này lâu ngày việc mắc các bệnh về đường hô hấp là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là bệnh viêm xoang. Nhà tôi có cháu nhỏ, sợ mắc bệnh nên chúng tôi phải đưa đến ở nhờ nhà người thân ở vùng khác”, ông T. lo lắng.
Nếu để lâu cơ sở sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân xung quanh. |
Cách nhà ông T. không xa, gia đình bà L.T.T (53 tuổi), nhà nằm sát cơ sở tái chế này cho hay: “Cơ sở này gây ô nhiễm lắm, xe chở bao bì, rác thải thường xuyên rơi vãi dọc đường rất mất vệ sinh. Nhà tui ở sát cơ sở này nên hôi cả ngày lẫn đêm, hơn nữa tiếng ồn của máy móc hoạt động khiến chúng tôi không tài nào chịu được. Nhiều lúc họ nấu nhựa, khói đen từ cơ sở bay ra khắp nơi, bao trùm cả một khu vực rất ô nhiễm. Mong muốn của chúng tôi là phải di dời cơ sở này đến nơi khác để người dân yên tâm làm ăn sinh sống”.
Thiếu trách nhiệm hay làm lơ?
Quá bức xúc về vấn nạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong thời gian dài, người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục. Nhưng đến nay, việc xử lý vẫn đang còn bỏ ngõ. Điều này đã khiến dư luận nơi đây đặt ra câu hỏi: Liệu chính quyền địa phương có “làm lơ” cho cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm môi trường?!.
Hình ảnh bên trong cơ sở tái chế nhựa. |
Để làm rõ vấn đề này, PV đã trao đổi với ông Trương Văn Công - Chủ tịch UBND phường Thủy Phương, ông Công cho biết cơ sở tái chế nhựa này có giấy phép kinh doanh với tên là doanh nghiệp Phạm Văn Việt, người đăng ký giấy phép kinh doanh thì chỉ nhớ tên là Tuyết, và đã có cam kết bảo vệ môi trường.
Dù hoạt động gây ô nhiễm trong thời gian dài, nhưng đến nay công tác xử lý vẫn còn bỏ ngõ. |
“Việc cơ sở tái chế nhựa này gây ô nhiễm môi trường là có thật, phía chính quyền địa phương đã từng nhiều lần được phản ánh của người dân trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri. Ủy ban phường đã có nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên cấp trên về việc xử lý cơ sở này. Trước đó, phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy đã nhiều lần đến kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên sau đó, cơ sở này vẫn tiếp tục tái diễn về việc gây ô nhiễm môi trường. Sắp tới phường sẽ tiến hành thành lập đoàn kiểm tra, và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cơ sở này”, ông Công cho biết.
Điều mà người dân nơi đây mong muốn đó là chính quyền địa phương sớm có biện pháp chấn chỉnh và di dời cơ sở tái chế nhựa trên để môi trường sống và sức khỏe của người dân được đảm bảo.
Bài & ảnh: Đức Linh