Được thành lập từ ngày 30/9/2016, TTH-FOSDA có 14 Chi hội, với 241 thành viên, diện tích tham chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hơn 950 ha.
Sau 5 năm hoạt động, đến nay TTH-FOSDA đã có 1.028 hội viên là chủ rừng với gần 5.200 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Hội đã chủ động chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các Hội viên thành lập được 24 HTX lâm nghiệp bền vững và xây dựng Đề án phát triển hợp tác xã lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2023 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đại hội Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2021-2025 |
TTH-FOSDA đã thực hiện tốt vai trò đại diện các chủ rừng tham gia FSC liên kết chuỗi giá trị rừng trồng gỗ keo với đối tác chính là Công ty Scancia Pacific cũng như một số công ty gỗ dăm, viên nén trên địa bàn. Nhờ vậy, góp phần nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng rừng trồng keo cho các chủ rừng tham gia hội.
Bên cạnh đó, TTH-FOSDA còn thực hiện tốt vai trò phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các chính quyền địa phương tham mưu cho UBND ban hành Quy chế quản lý rừng cộng đồng cũng như kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ FSC nhằm góp phần bảo vệ tốt tài nguyên rừng tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.
Triển khai phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ lần thứ II (2021-2025), TTH-FOSDA tiếp tục hướng đến hành động dựa trên nguyên lý hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường phục vụ cho các lâm hộ trồng rừng quy mô nhỏ tích cực tham gia chứng chỉ rừng FSC; ưu tiên các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học; sử dụng đất phát thải thấp. Vận động ngày càng nhiều hội viên tham gia vào các HTX lâm nghiệp bền vững nhằm hợp tác, cùng có lợi; góp phần ổn định sinh kế; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 2.400 chủ rừng tham gia để mở rộng quy mô tối thiểu đạt 12.000 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị TTH-FOSDA tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Công ty Scancia Pacific trong việc phát triển chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn FSC; đồng thời liên kết chuỗi với các công ty kinh doanh gỗ nhỏ, viên nén để bảo đảm toàn bộ gỗ rừng trồng FSC được bao tiêu sản phẩm theo hướng hài hòa lợi ích giữa chủ rừng và các công ty. Cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 2.400 chủ rừng tham gia để mở rộng quy mô tối thiểu đạt 12.000 ha rừng trồng có chứng chỉ FSC. Đồng thời chú trọng vận động chủ rừng hội viên từng bước tích cực phát triển trồng cây bản địa gỗ lớn ở các vùng sinh cảnh phù hợp, nhằm góp phần tăng cường bảo vệ môi trường, kinh doanh bền vững và hiệu quả với giá trị gia tăng ngày càng cao; gắn việc phát triển rừng trồng FSC với việc thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Phương cũng nhấn mạnh rằng, trên cơ sở Đề án phát triển hợp tác xã lâm nghiệp bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt, TTH-FOSDA cần vận động chủ rừng tham gia thành lập mới 16 hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Đồng thời củng cố, định hình phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ cơ bản ở các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững đã được thành lập. Đến năm 2025, có 38 Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững với tối thiểu 60% chủ rừng có chứng chỉ FSC tham gia thành viên.
“TTH-FOSDA cần đặc biệt chú trọng xây dựng cơ cấu Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ II, cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ phẩm chất, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng và vì lợi ích của chủ rừng; đồng thời có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Muốn vậy, cần chú trọng đến thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và hoạt động dịch vụ công xem đó là một trong những biện pháp xây dựng cơ chế tài chính bền vững để đáp ứng yêu cầu hoạt động”, ông Phương nói.