Bất chấp lệnh cấm
Thời gian qua, mặc dù lực lượng Thanh tra Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế đã tăng cường tuần tra và xử lý, nhưng tình trạng khai thác thủy sản gần bờ biển bằng tàu lưới kéo (giã cào) và vùng đầm phá có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ của tỉnh. Năm 2019, các lực lượng đã tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý 13 vụ vi phạm khai thác hải sản bằng giã cào trái phép với 15 phương tiện, chủ yếu ở ngoại tỉnh, phạt hành chính gần 400 triệu đồng. Trước đó đã xử lý 46 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt trên 130 triệu đồng trong năm 2017. Năm 2018 đã xử lý 26 trường hợp, số tiền xử phạt 78 triệu đồng.
Đầu tháng 5 vừa qua, trong lúc đánh bắt gần bờ, ngư dân phát hiện hai tàu giã cào ngoại tỉnh đang hoạt động sai tuyến, cách bờ biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang) tầm 2,5 hải lý. Nhận được tin báo, Đồn biên phòng Vinh Xuân trưng dụng hai gọ máy của ngư dân có công suất 24CV/chiếc, tổ chức triển khai lực lượng vây bắt các đối tượng vi phạm. Sau 5 giờ vây bắt, các lực lượng tiếp cận hai phương tiện giã cào và yêu cầu dừng hoạt động để kiểm tra, xử lý. Nhưng các đối tượng không chấp hành, tăng tốc độ và tấn công tổ tuần tra, sau đó cắt lưới bỏ chạy.
Tang vật của một vụ bắt giữ tàu giã cào |
Cùng thời điểm, quá trình tuần tra trên biển, Tổ tuần tra Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An phát hiện hai tàu giã cào bay ở tỉnh Quảng Ngãi đang khai thác hải sản trái phép, cách bờ biển xã Quảng Công (Quảng Điền) 3,5 hải lý. Hai tàu này không những không chấp hành lệnh dừng hoạt động để kiểm tra, xử lý vi phạm, cắt lưới bỏ chạy mà còn gọi thêm hai phương tiện khác đến tấn công lực lượng chức năng.
Trước sự manh động của các đối tượng vi phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phải điều động thêm hai tàu nghiệp vụ của Hải đội 2 phối hợp với tổ tuần tra truy bắt các phương tiện. 16 thuyền viên trên các tàu giã cào trái phép đã có hành vi chống đối quyết liệt, buộc lực lượng chức năng nổ súng chỉ thiên mới dừng lại. Tổ tuần tra thu giữ nhiều loại lưới giã cào, đưa người và phương tiện vi phạm về Cảng Chân Mây xử lý.
Tối 14/5, trong lúc tuần tra, Đồn Biên phòng Vinh Xuân phát hiện hai tàu giã cào trái phép đang hoạt động trên khu vực biển xã Phú Diên (huyện Phú Vang), cách bờ biển khoảng 3 hải lý. Đơn vị cử lực lượng phối hợp với ngư dân sử dụng hai gọ công suất 24CV/chiếc và Hải đội 2 tổ chức truy bắt. Đến 22 giờ 30 phút, các lực lượng đã tiếp cận và khống chế đưa hai phương tiện vi phạm về Cảng Chân Mây xử lý. Hai phương tiện đánh bắt trái phép mang số hiệu QNg 92878 TS và QNg 97879 TS đều ở Quảng Ngãi.
Xử lý đến bao giờ hết?
Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) bức xúc cho rằng, sự lộng hành của các tàu giã cào đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề đi biển của bà con. Đặc biệt gần đây, các tàu thuyền loại nhỏ của ngư dân địa phương không thể hoạt động được. Nhiều ngư dân nghèo rất khó khăn, phải vay mượn tiền đễ sắm ngư lưới cụ, chưa làm được bao nhiêu thì lại bị tàu giã cào phá nát...
Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức trong đánh bắt thủy hải sản |
Theo Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An, hoạt động đánh bắt giã cào tác động rất lớn đến môi trường, nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng đến nguồn sinh kế, đời sống ngư dân ven bờ. Lâu nay, việc xử lý các hoạt động khai thác bằng giã cào sai tuyến gặp nhiều khó khăn. Khi các lực lượng tiếp cận phương tiện vi phạm, các đối tượng cắt lưới bỏ chạy, chống trả quyết liệt với các hành vi như ném đá, hành hung bằng dao, rựa…
Biện pháp trước mắt là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức ngư dân trong bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản. Trường hợp đã giáo dục, tuyên truyền nhưng các đối tượng không chấp hành, cố tình vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, phạt hành chính theo Nghị định 42 của Chính phủ về xử lý các hành vi khai thác hải sản trái phép. Tùy thuộc vào tính chất từng vụ việc, mức độ vi phạm sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nhằm đảm bảo răn đe, giáo dục.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, đánh bắt bằng giã cào làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của ngư dân. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP đối với các vi phạm nêu trên chưa đủ sức răn đe nên vẫn tái diễn.
“Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đợt tuần tra trên biển, truy đuổi và xử lý hàng chục phương tiện ngoại tỉnh đánh bắt giã cào sai tuyến, trái phép. Lực lượng của đơn vị mỏng, phương tiện tuần tra công suất nhỏ nên chủ yếu phát hiện, phối hợp với tàu ngư dân truy đuổi, khó bắt giữ phương tiện vi phạm. Việc bắt giữ, xử lý các phương tiện vi phạm chủ yếu phụ thuộc vào các đơn vị biên phòng trên địa bàn tỉnh”, T.S Bình nói.
Đại tá Nguyễn Xuân Hòa - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, cơ quan chức năng nên tham mưu các tỉnh có chủ trương chuyển đổi các ngành nghề khai thác trên biển không có giấy phép, hoặc có giấy phép nhưng hoạt động sai tuyến, không đúng quy định. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ, sử dụng phương tiện công suất lớn trong tuần tra, xử lý vi phạm, bảo vệ môi trường, nguồn lợi hải sản một cách hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định sinh kế cho ngư dân.