Thừa Thiên Huế: Bình quân mỗi xã "gánh" 1 tỷ nợ đọng

09/12/2017 00:00

(TN&MT) - Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII đang diễn ra (7-9/12); Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày báo cáo về phương án quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016- 2020 trên địa bàn tỉnh...

Báo cáo được ông Phan Thiên Định- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày. Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp các địa phương giảm bớt gánh nặng trong đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Quang cảnh kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII
Quang cảnh kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII

Nợ đọng bình quân khoảng 1 tỷ đồng/xã

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,11%. Trong khi đó, theo kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh phải 59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 61 xã/104 xã. Để đạt mục tiêu này, việc động nguồn lực để giúp các xã chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để chủ động xây dựng nông thôn mới là cần thiết.

Những xã đã triển khai xây dựng các công trình để đảm bảo các tiêu chí theo chuẩn xã nông thôn mới gần như đều “đổ nợ”, với số nợ bình quân khoảng 1 tỷ đồng/xã.

Có một số xã ở huyện Quảng Điền như: Quảng Vinh, Quảng Thọ, Quảng An... bình quân mỗi xã nợ đọng xây dựng nông thôn mới từ 4-6 tỷ đồng và lãnh đạo các địa phương này đang đau đầu với việc trả nợ khi việc huy động nguồn vốn từ người dân gặp khó và nguồn thu ngân sách địa phương có hạn.

Ông Phan Thiên Định- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình
Ông Phan Thiên Định- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tờ trình

Dù Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong nhóm có số nợ đọng xây dựng cơ bản không cao, với khoảng 83 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng số tiền huy động xây dựng nông thôn mới thời gian qua, song nếu không có giải pháp huy động nguồn lực tốt hơn, khả năng về đích xây dựng nông thôn mới còn khó khăn, đó là chưa kế đến tình trạng nợ đọng chưa có phương án xử lý dứt điểm.

Vì những lý do này, UBND tỉnh đã có tờ trình quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2020 để HĐND tỉnh thông qua nhằm làm cơ sở giúp các địa phương có điều kiện huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Tăng nguồn vốn hỗ trợ cho dân

Theo quy định, từ nguồn vốn bố trí của Trung ương, tỉnh phải đối ứng tối thiểu 1,5 lần để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế, việc đối ứng 1,5 lần chưa đáp ứng nhu cầu vốn xây dựng của các địa phương, do đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua mức đối ứng cho giai đoạn 2016-2020 là 2,3 lần. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn từ Trung ương phân bổ cho tỉnh để xây dựng nông thôn mới hơn 727 tỷ đồng.

Muốn xây dựng nông thôn mới, Thừa Thiên Huế phải giảm nợ đọng
Muốn xây dựng nông thôn mới, Thừa Thiên Huế phải giảm nợ đọng

Tỉnh đối ứng với mức 2,3 lần so với nguồn vốn Trung ương cấp, với mức bình quân hơn 145 tỷ đồng/năm, ngân sách huyện, thị xã, xã bố trí tối thiếu 1/3 tổng vốn đối ứng của tỉnh, tương đương hơn 363 tỷ đồng, bình quân hơn 9 tỷ đồng/địa phương/năm.

Các nguồn vốn khác lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và các chương trình mục tiêu, dự án, nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Tuy vậy, mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ cũng được thay đổi, không hỗ trợ dàn trải như trước mà tập trung hỗ trợ cho các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, đưa khỏi danh sách những công trình không được hỗ trợ giai đoạn hiện nay như các trạm y tế xã, trụ sở HĐND và UBND xã...

Vì những mục tiêu trên, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã quyết nghị thông qua phương án quy định cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh:Văn Dinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Bình quân mỗi xã "gánh" 1 tỷ nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO