Thừa Thiên Huế: 5 người chết, hơn 62.000 nhà dân chìm trong nước lũ

Bài, ảnh: Văn Dinh| 13/10/2020 11:59

(TN&MT) - Thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đang ngày càng gia tăng, khi đến nay đã có ít nhất 5 người chết, nhiều người bị thương và mất tích; hơn 62.000 ngôi nhà ngập lụt...

Nhiều người chết

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 13/10, mưa lũ đã khiến ít nhất 5 người chết.

Cụ thể, anh Dương Phước H. (SN 1989, ở tổ dân phố Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) mất tích tại Hồ Bàu Sen vào 21h ngày 7/10 khi đi bắt chim, bị lật thuyền, đến 16h30 ngày 9/10 đã tìm thấy thi thể.

Nước lũ tại Thừa Thiên Huế vẫn còn ngập sâu ở nhiều địa phương, đã có ít nhất 5 người chết

Anh Phạm Văn L. (25 tuổi, trú tại thôn Khuôn Phò Nam, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền) bị chìm đò ngày 10/10.  Anh Đinh Như H. (SN 1999, ở Đồng Di, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) bị trượt chân đuối nước vào chiều ngày 10/10. Anh Lê Văn K.(SN 1991, trú tại phường Hương Sơ, TP. Huế) cùng 3 thanh niên dùng ghe đi mua thức ăn, do nước chảy xiết làm lật ghe, 3 người bơi được vào bờ, riêng anh K. bị chìm mất tích, đến 13h ngày 12/10 đã tìm thấy thi thể.

Đặc biệt thương tâm là trường hợp chị Hoàng Thị P. (SN 1985, trú tại phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền). Chị P. đang mang thai, sáng 12/10 có dấu hiệu trở dạ nên được người nhà thuê người dân đánh cá chở ghe đi sinh. Khi cách QL1A khoảng 20m thì bị lật ghe, chị P. bị nước cuốn trôi, mất tích. Đến 13h15 cùng ngày đã tìm thấy thi thể.

Ngoài ra còn có 1 người mất tích, 7 người khác bị thương do mưa lũ đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Hiện đã có 62.983 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 - 1,8m, có nơi còn sâu hơn, trong đó nặng nhất là huyện Quảng Điền 16.228 nhà, huyện Phong Điền 13.003 nhà, thị xã Hương Trà 11.279. Có 11 nhà dân bị sập, tốc mái, hư hỏng.

Người dân chỉ còn cách đi lại bằng thuyền

Do ảnh hưởng của triều cường làm cho bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung ở các đoạn qua xã Vinh Hải (nay xã Giang Hải) hơn 3,5 km; xã Phú Thuận hơn 2,5 km; xã Phú Diên hơn 2 km; xã Phú Hải khoảng 1,5 km; xã Hải Dương khoảng 1 km. Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 100 m. Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m. Một số công trình thủy lợi ở 2 huyện nam Đông và A Lưới bị hư hỏng, kênh mương bị bồi lấp.

Toàn tỉnh đã có 332ha hoa màu, 150ha sắn, 1ha cây ăn quả, 10 ha đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị thiệt hại. Ngành chăn nuôi và thủy sản tại tỉnh cũng thiệt hại nặng nề. Trong đó, tại huyện A Lưới vừa có 6 con trâu và 6 con dê chết do mưa lũ, huyện Nam Đông có 2 con trâu bị chết. Điện lực Thừa Thiên Huế đã xuất tuyến 60% nguồn trên địa bàn, nhũng vùng cao có điện; các huyện ngập nặng bị Phong Điền; Quảng Điền, Hương Trà; Phú Vang, Hương Thủy và một số khu vực TP.Huế bị mất điện hoàn toàn.

Thừa Thiên Huế đã sơ tán11.608 hộ với 35.435 nhân khẩu đến nơi an toàn. Tỉnh cũng đến nay cũng đã xuất cấp từ nguồn dự trữ hơn 25.000 thùng mì tôm, hàng ngàn chai nước ngọt đến những vùng bị nước lũ cô lập ở TP Huế, Hương Trà, Quảng Điền…

Không được chủ quan

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho người cộng đồng; đường dây nóng đã tiếp nhận và hỗ trợ điều phối cứu nạn, cứu hộ 460 trường hợp. Hơn 640.000 ngàn thuê bao được tiếp cận thông tin cảnh báo phòng chống bão lụt.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cấp phát lương thực cho người dân vùng lũ

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý người dân tuyệt đối tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương trong việc ứng phó với mưa bão, không được tự ý di chuyển, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, bà con cũng cần chủ động bảo vệ mình, không được chủ quan...

“Các địa phương cần tiếp tục rà soát, nắm chắc các hộ gia đình khó khăn để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét trong lúc này, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo.

Dự báo tình hình phức tạp của mưa lũ trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định: “Các đơn vị, địa phương, nhất là ở vùng thấp trũng cần tiếp tục nghiêm túc tuân thủ phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì người dân cũng cần chủ động hơn trong ứng phó với mưa lũ; hạn chế đến mức thấp nhất tính mạng và tài sản”.

Hiện Thừa Thiên Huế vẫn đang mưa to trên diện rộng, các cơ quan ban ngành cũng đã và đang đến các vùng ngập sâu để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: 5 người chết, hơn 62.000 nhà dân chìm trong nước lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO