Thủ tướng yêu cầu phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức xúc

02/04/2019 18:44

(TN&MT) - Đó là thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP kiêm người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3/2019 diễn ra chiều 2/4 tại Hà Nội nhằm thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019 diễn ra cùng ngày.

Thủ tướng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019. Ảnh: chinhphu.vn

Tham dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cùng lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành và Thành phố Hà Nội.

Thông tin đến báo chí về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý I/2019; tình hình thực hiện các Nghị quyết số 01, 02, 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và một số báo cáo khác liên quan đến cải cách hành chính quý I/2019; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh quý I/2019, tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra Tổ công tác tháng 3/2019 cùng một số vấn đề khác…

Chủ trì Họp báo
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ chủ trì Họp báo chiều 2/4. Ảnh: Khương Trung

Tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra nhiều vấn đề về xã hội phải quan tâm như nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông, phát sinh một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự, môi trường ở một số địa phương, trong đó có vấn đề mê tín dị đoan ở Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), vụ học sinh lớp 9 đánh đập bạn dã man ở Hưng Yên… Trong đó, tình trạng bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh không chỉ diễn ra ở Hưng Yên mà còn ở không ít các địa phương khác, đây có phải vấn đề báo động hay không? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Đó là vấn đề cần suy nghĩ, có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để những vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn.

Do đó, theo người phát ngôn Chính phủ, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là mặc dù kinh tế vô cùng quan trọng nhưng cần thảo luận rõ nét hơn về các vấn đề xã hội để chúng ta thực hiện đúng mục tiêu kinh tế phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Điều quan trọng nhất là tập trung nỗ lực vượt bậc để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đồng thời giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Chúng ta chú trọng cả ba trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường, thời gian gần đây vấn đề môi trường đã được siết lại, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với các vấn đề xã hội. Nếu coi nhẹ vấn đề xã hội thì tới một lúc nào đó kinh tế cũng không phát triển được.

Về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều được dự báo tăng chậm lại, cùng với trong nước những rủi ro về dịch tả lợn Châu Phi, biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên…

Cụ thể: GDP quý I/2019 đạt ở mức cao, tăng 6,79% (tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 tăng 7,45% nhưng cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, năm 2017 tăng 5,15%). Đây là mức tăng cao, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định hơn, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng rõ nét hơn, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2019 giảm 0,21%% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%). CPI bình quân quý I/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (quý I: năm 2015 tăng 9,3%; năm 2016 tăng 8,2%, năm 2017 tăng 5,1%, năm 2018 tăng 12,7%), trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 11,1%; Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ (cao nhất trong 9 năm trở lại đây); Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9%, cao hơn mức 8,9% của cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7%.

Thứ trưởng VT Nhân
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi Họp báo Chính phủ chiều 2/4/2019. Ảnh: Khương Trung

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3/3019 ước đạt 22,40 tỷ USD, tăng 61,1%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 18,9%); 3 tháng đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7%. Tháng 3 xuất siêu 1,56 tỷ USD (con số mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%. Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt trên 5,1 tỷ USD tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD tăng 6,2%. Có thể nói, thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I là với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học, công nghệ rất cao. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43.500 doanh nghiệp (trong đó số doanh nghiệp thành lập mới đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt trên 15.000 doanh nghiệp)…

Đặc biệt, đời sống dân cư nhìn chung ổn định, thiếu đói trong dân giảm đáng kể (quý I/2019 cả nước có 28.500 lượt hộ thiếu đói, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2018). Tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp 2,17%; Trong tháng, các đội tuyển bóng đá đã lập chiến công khi đội tuyển U23 Việt Nam thắng U23 Thái Lan 4-0 để lọt vào vòng chung kết châu lục và U19 Việt Nam thắng U19 Thái Lan 1-0 đăng quang một giải đấu quốc tế lứa tuổi  U19.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề như: Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân đạt thấp, vốn từ ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với quý I/2018. Vốn trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt là dự án lớn của các bộ: Bộ Giao thông vận tải giảm 58,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 55,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm 22,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 11,8%...). Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết không chấp nhận thực tế này, các bộ phải giải trình và có giải pháp mạnh để khắc phục; Khu vực nông nghiệp gặp khó khăn, cùng với dịch tả lợn châu Phi là tình hình hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ trong khi giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh, có xu hướng giảm giá.

Khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại (công nghiệp và xây dựng tăng 8,63% - cùng kỳ năm 2018 tăng 9,70%; dịch vụ tăng 6,5% - cùng kỳ năm 2018 tăng 6,70%); Tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%, trong khi mục tiêu cả năm là 14% tức là bình quân mỗi quý phải tăng 3,5%...

Về nhiệm vụ thời gian tới, theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bứt phá hơn, quyết tâm hơn để hoàn thành toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2019, đúng như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là năm 2019 phải tốt hơn 2018.

Theo đó, Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019…

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên đặt ra. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng yêu cầu phát triển kinh tế nhưng không bỏ quên các vấn đề xã hội bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO