Thủ tướng tiếp các Đại sứ và Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan dự Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL

27/09/2017 00:00

Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, sáng 27/9, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc...

 

Bên lề Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, sáng 27/9, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp Đại sứ Thụy Điển, Đại sứ Australia,  Công sứ Nhật Bản và Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan.

Thủ tướng tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg, Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg, Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tiếp Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg, Thủ tướng cảm ơn Đại sứ tham dự Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, thể hiện tình cảm giữa hai nước. Thủ tướng mong muốn Đại sứ tiếp tục đóng góp cho sự phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam-Thụy Điển.

Đại sứ Pereric Hogberg khẳng định Thụy Điển luôn quan tâm đến sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ Thụy Điển đã phê chuẩn khoản ngân sách hơn 5 triệu USD hỗ trợ Ủy ban sông Mekong.

Đại sứ bày tỏ ấn tượng về sự có mặt của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị để đưa ra các quyết sách phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Thông báo kim ngạch thương mại hai nước đang tăng trưởng, Đại sứ khẳng định Thụy Điển, Việt Nam là bạn bè thân thiết và sẽ nỗ lực hết sức mình góp phần thắt chặt tình hữu nghị này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Australia Craig Chittick. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tiếp ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Đại sứ tham dự Hội nghị, tin tưởng việc này sẽ góp phần vào thành công của Hội nghị và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày một thiết thực, hiệu quả hơn.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ Craig Chittick nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị và cho biết thời gian qua Australia đã có nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác tại Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ Australia sẽ tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và sẽ tham gia vào việc huy động nguồn lực cho Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ Australia cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trên tinh thần đối tác sáng tạo, giúp Việt Nam nâng cao chất lượng, năng suất trong sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm và thương hiệu mới.

Thủ tướng tiếp Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Jun Yanagi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng tiếp Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Jun Yanagi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc tiếp Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Jun Yanagi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Công sứ đã tham dự Hội nghị và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản đối với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Nhật Bản theo tinh thần Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; đồng thời đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC.

Công sứ Nhật Bản đánh giá cao sáng kiến của Thủ tướng về tổ chức Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, qua đó, huy động mọi nguồn lực để phát triển khu vực đang bị tác động gay gắt bởi biến đổi khí hậu. Hiện phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cũng là một trong những trụ cột chính trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản với Việt Nam.

Ông Jun Yanagi khẳng định, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đây, chiều 26/9, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, ông Hermen Borst, nhân dịp dự Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hoan nghênh ông Hermen Borst cùng đoàn đại biểu Hà Lan sang dự Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với BĐKH và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Hà Lan.

Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm Hà Lan tháng 7 vừa qua, ông đã bay trực thăng khảo sát quy hoạch vùng đồng bằng và quan sát các công trình trị thuỷ, đê biển ở một số vùng lưu vực, duyên hải trọng yếu của Hà Lan và nhận thấy có nhiều kinh nghiệm hay. Và chiều nay, Thủ tướng đã đi thị sát khu vực ĐBSCL bằng trực thăng.

Thủ tướng cho biết, giữa hai vùng có nhiều điểm tương đồng. Đánh giá cao kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực này, Thủ tướng đề nghị ông Hermen Borst chia sẻ kinh nghiệm, có bài phát biểu tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.

Về phần mình, ông Hermen Borst bày tỏ ấn tượng vì những gì được nghe, được nhìn tại hội nghị khi được lắng nghe nhiều sáng kiến, chứng kiến sự nhiệt huyết của các đại biểu trong thảo luận về tương lai của ĐBSCL. Ông cũng bày tỏ mong chờ được nghe bài phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị.

Về kinh nghiệm của Hà Lan, ông Hermen Borst nhấn mạnh sự quan trọng của việc chuyển đổi mô hình phát triển từ một ngành, một chiều sang đa ngành, đa chiều. Đây là điều không dễ dàng khi hài hòa lợi ích các bên liên quan như nông nghiệp, năng lượng, quản lý nước…

Do đó, trong việc xây dựng chiến lược phát triển vùng đồng bằng, Hà Lan chú trọng lấy ý kiến của các ủy ban, các địa phương, các ngành, các nhà khoa học và các bên liên quan. Sau khi các bên thống nhất về chiến lược và kế hoạch phát triển sẽ trình lên cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Do đó, Hà Lan thành lập một cao ủy, mang tính độc lập, không trực thuộc Chính phủ.

Về tài chính, Hà Lan thành lập một quỹ đồng bằng quy mô quốc gia có sử dụng ngân sách và sự đóng góp tài chính của các bên tham gia. Khi chính phủ có quỹ quốc gia cho vùng đồng bằng thì đó như một sự cam kết lâu dài để thực hiện các dự án và qua đó thu hút các nguồn lực quốc tế như ODA và nguồn lực tư nhân. Việc sử dụng các quỹ phải bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả. Các dự án đều phải được nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện.

Ông Hermen Borst nhấn mạnh, công việc này không phải chỉ của Chính phủ mà cả xã hội cùng tham gia.

Ghi nhận các ý kiến của Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan, Thủ tướng đánh giá cao việc thành lập một ban điều phối và hình thành một quỹ đồng bằng như kinh nghiệm của Hà Lan; đồng thời nhấn mạnh vấn đề quan trọng là thay đổi tư duy trong phát triển.

Thủ tướng mong muốn tăng cường hợp tác lâu dài, chiến lược, toàn diện với phía Hà Lan về thích ứng BĐKH, cũng như mong muốn thành lập đường dây nóng giữa phía Việt Nam với Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan để trao đổi thông tin.

Theo Chinhphu.vn 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng tiếp các Đại sứ và Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan dự Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO