Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bình Dương.
Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có tính liên vùng trên địa bàn, gồm tuyến đường cao tốc TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành; tuyến đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải, Cái Mép; quy hoạch tuyến Metro Suối Tiên-Thành phố Mới Bình Dương–Bàu Bàng; tuyến Vành đai 3 TPHCM đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương; nghe báo cáo về tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng cũng tới khảo sát dự án xây dựng mở rộng Nhà máy của Công ty TNHH PaiHong tại Khu công nghiệp Bàu Bàng; kiểm tra, khảo sát dự án Bệnh viện Đa Khoa Bình Dương mới tại TP. Thủ Dầu Một hiện đang chậm tiến độ.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết gần đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ. Sau đó, Thủ tướng đã làm việc với TPHCM và hôm nay tiếp tục làm việc với Bình Dương để triển khai cụ thể hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm liên vùng.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Bình Dương phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai ở lại phía sau. Cụ thể hơn, Bình Dương phải phát triển nhanh bởi có điều kiện thuận lợi, có nền tảng phát triển từ nhiều năm nay, có vị trí trong vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động và có nhiều đổi mới sáng tạo; phát triển hài hòa giữa văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển tất cả các địa phương, huyện thị, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Thủ tướng gợi ý Bình Dương phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung cho công tác quy hoạch; xác định công việc để đầu tư trọng tâm, trọng điểm; tự lực, tự cường, đi lên bằng nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử) là chính, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực khác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương khác; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công bằng, lành mạnh, ổn định, bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Về công việc cụ thể, cần kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; quan tâm công tác quy hoạch; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển; xử lý các vấn đề quá tải về hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục...; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… để tận dụng lợi thế, hóa giải khó khăn, vượt qua thách thức…
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc.