Chiều ngày 24/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng về tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Đây là lần thứ hai trong gần 2 năm qua, Thủ tướng lên thăm, làm việc với tỉnh Cao Bằng, địa phương cách Hà Nội khoảng 6 giờ đi ô tô. Cùng dự buổi làm việc của Thủ tướng với tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh...
Báo cáo của Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng là khó khăn, hạn chế lớn nhất của Cao Bằng để phát triển kinh tế - xã hội. Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt bởi những dãy núi cao, sông suối, Cao Bằng gặp trở ngại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề giao thông. Lợi thế về mặt địa lý nằm trên lộ trình gần nhất kết nối phía tây Trung Quốc và các nước ASEAN, có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc bị giảm sút bởi giao thông “chậm tiến”.
Năm 2018, tỉnh Cao Bằng ước tính tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 25 triệu đồng. Tổng thu ngân sách đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã nêu kiến nghị, đề xuất đầu tiên với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là xin chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh – Đồng Đăng) dài khoảng 115 km.
Tuyến cao tốc này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại của tỉnh có 333 km đường biên giới với Trung Quốc mà còn góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương đầu tư dự án này, coi đây là một đột phá giúp Cao Bằng tiến lên. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần tổ chức hội nghị bàn sâu hơn về dự án này như về hướng tuyến, cơ cấu nguồn vốn.
Chia sẻ trăn trở, khó khăn đối với sự phát triển của Cao Bằng, một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 cả nước, có nhiều huyện nghèo, nhiều xã đặc biệt khó khăn nhất cả nước, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập như quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân còn thấp (chưa bằng một nửa so với trung bình cả nước), số lượng doanh nghiệp còn ít…
Đặt vấn đề về hướng phát triển của địa phương, Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào một số hướng quan trọng, đó là dịch vụ, du lịch; kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao; kinh tế cửa khẩu.
Du lịch cần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng. Du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái, địa hình được khai thác trên sự tương tác bền vững với các yếu tố độc đáo của Cao Bằng. Gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương. Phải tiếp tục tuyên truyền quảng bá hình ảnh công viên địa chất toàn cầu ở đây để mọi người biết và tới chiêm ngưỡng di sản đặc biệt này.
Tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành; phát triển thương hiệu nông sản để nâng tầm giá trị. Phấn đấu thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu là hướng đi quan trọng.
Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu chính ngạch, chú trọng đầu tư logistic.
Muốn giải quyết các vấn đề trên, Cao Bằng cần tập trung hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn xa, không mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau trong phát triển như giữa du lịch với công nghiệp chế biến. Giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Tỉnh cần có các giải pháp thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, thay đổi tư duy kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; phát động khởi nghiệp, vươn lên trong nhân dân. Coi đồng bào dân tộc anh em là lực lượng phát triển chứ không chỉ nhìn khía cạnh là đối tượng chính sách.
Kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, làm ăn theo quán tính, tập quán cũ, ngại làm lớn, sợ rủi ro. Phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Bên cạnh hạ tầng cứng được Nhà nước quan tâm, chúng ta cần bồi đắp, phát huy nguồn lực mềm, các yếu tố hạ tầng thông minh như năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cán bộ, công chức, sự gắn kết xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, chất lượng quản trị Nhà nước, khả năng kết nối thông tin, phổ cập internet”, Thủ tướng phát biểu.
“Cao Bằng hay các tỉnh miền núi của chúng ta nói chung không được đứng ngoài lề các xu hướng toàn cầu hóa và cách mạng 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến đối với một số kiến nghị cụ thể của tỉnh Cao Bằng với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển hơn nữa.
* Nhân dịp đến thăm Cao Bằng, chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, động viên và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Cao Bằng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong điều kiện địa bàn rộng, hết sức phức tạp về an ninh, trật tự, với chiều dài 333km đường biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, giao thông đi lại còn khó khăn nhưng lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác nghiệp vụ, xử lý, phòng ngừa, ngăn chặn tốt tình hình tội phạm, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2018.
Nhấn mạnh những yêu cầu của công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu lực lượng Công an tỉnh Cao Bằng cần ra sức khắc phục khó khăn, tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an; cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác an ninh trật tự, có các phương án, không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.
Cùng với đó, Công an tỉnh cũng cần tiếp tục chú trọng làm tốt công tác xây dựng lực lượng; chủ động đảm bảo an ninh trật tự, giữ được môi trường liên kết, phối hợp với các địa phương tạo sự ổn định; thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”…, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên bà Lục Thị Đôn, lão thành cách mạng và ông Nông Hồng Quảng, thương binh nặng tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng./.