Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai

30/11/2018 22:26

(TN&MT) - Chiều 30/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng


Dự buổi làm việc có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Gia Lai có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Gia Lai.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết: Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ của năm 2018. Theo dự kiến, cả 20/20 chỉ tiêu chủ yếu của Gia Lai trong năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch.

Lãnh đạo các bộ ngành
Lãnh đạo các bộ ngành tại buổi làm việc của Thủ tướng chiều 30/11. Ảnh: Việt Hùng


Về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao tại buổi làm việc với tỉnh ngày 17/12/2016, ông Võ Ngọc Thành cho biết: Trong 14 nhiệm vụ mà Thủ tướng chỉ đạo, hiện còn 3 nhiệm vụ chưa trình Trung ương, đó là: xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng cao; cơ chế đặc thù, ưu đãi một số chính sách cho tỉnh; cơ chế đặc thù cho Khu Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 4.892 doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có từ 6.500-7.000 doanh nghiệp hoạt động đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.350 tỷ đồng. Trong đó, 75 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động với vốn đầu tư khoảng 8.570 tỷ đồng; 30 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với vốn đầu tư dự kiến 38.642 tỷ đồng…

Tại buổi làm việc, Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư cho tỉnh khu lâm nghiệp công nghệ cao; triển khai 5 dự án giao thông cấp bách với tổng vốn hơn 725 tỷ đồng; đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 7.500ha rừng tự nhiên nghèo nằm trong vùng tưới Thủy lợi Ia Mơr để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy hiệu quả công trình; chuyển một phần diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết và kém phát triển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió và trồng rừng thay thế trên diện tích khác…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng


Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai báo cáo và Bí thư Tỉnh ủy bổ sung một số kiến nghị, lãnh đạo các bộ, ngành trong đoàn công tác của Chính phủ đã phát biểu bổ sung ý kiến đồng thời giải đáp những thắc mắc mà Gia Lai đề ra cũng như bổ sung những hướng đi của Gia Lai nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 và định hướng năm 2019 và những năm tiếp theo.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của Tỉnh Đảng bộ, Chính quyền các cấp và đặc biệt là của đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh Gia Lai trong thời gian vừa qua.  

Thủ tướng đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai, nhất là “ước mơ tự cân đối được ngân sách” trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo tỉnh, “gam sáng nhiều, gam tối cũng có”, tốc độ phát triển của tỉnh còn dưới tiềm năng. Quy mô kinh tế còn nhỏ. Sức cạnh tranh còn thấp. Số lượng doanh nghiệp còn ít. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có một số điểm đáng lưu ý.Tỉ lệ hộ nghèo của Gia Lai giảm nhanh nhưng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 86,5%, trong đó có làng nghèo 100%...

Bộ trưởng phát biểu
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng


Nhắc đến đời sống đồng bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi tình hình của người dân trước việc Gia Lai có 4.000 ha cây tiêu bị sâu bệnh, bị mưa nhiều khiến cây chết hay giá cà phê giảm… từ đó người dân chưa trả được nợ ngân hàng thì liệu Tết này bà con có khó khăn quá không? Thủ tướng nêu vấn đề cần phải có chủ trương kịp thời hơn để giải quyết vấn đề đời sống nhân dân bằng cách kiến nghị với Thủ tướng, với Ngân hàng Nhà nước về tái cơ cấu nợ, hoãn nợ, giãn nợ để bà con có thể tiếp tục đầu tư làm ăn.

Về định hướng phát triển Gia Lai trong thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đối với Tây Nguyên là phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa với chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông-lâm sản, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đưa tầm nhìn này vào triển khai trong thực tiễn còn khoảng cách lớn, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện khoa học, quyết liệt. Và đặc biệt là cán bộ phải giỏi, phải biết làm việc một cách sáng tạo, năng động.

Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần tập trung 3 hướng chính: Kinh tế nông lâm sản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; Dịch vụ du lịch; Phát triển một số ngành công nghiệp có chọn lọc trên nền tảng lợi thế so sánh vượt trội của địa phương. Đi liền với đó, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh này. Cần chú ý nông nghiệp hữu cơ cùng với cây công nghiệp là thế mạnh đặc thù của Gia Lai.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất. “Tôi nói trồng rừng gỗ lớn trong thời gian 10 năm thì 90% có độ che phủ, chúng ta có thể trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ và nội thất của thế giới” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đồng thời Thủ tướng mong muốn màu xanh từ rừng sẽ mang lại đời sống tốt hơn cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai.

Toàn cảnh
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Việt Hùng


Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến hướng chiến lược của Tây Nguyên và Gia Lai là tăng độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa địa phương. Vì vậy, theo Thủ tướng, trong phát triển, cần giải quyết đồng thời 4 bài toán: Kinh tế, xã hội, môi trường và bảo vệ di sản, không gian văn hóa. Thủ tướng đề nghị Gia Lai cần đóng góp tích cực hơn nữa để phát triển thương hiệu du lịch cao nguyên của Việt Nam, đặc biệt là phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến trước các kiến nghị cụ thể của Gia Lai với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển. Đặc biệt, Thủ tướng đã đồng ý, quyết ngay một khoản hỗ trợ trích từ dự phòng ngân sách dành cho 1 làng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn của Gia Lai mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu ra tại cuộc làm việc để bà con ổn định đời sống. Thủ tướng yêu cầu Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần quan tâm hơn nữa đến đời sống và phát triển kinh tế của đồng bào trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO