Cùng dự Hội nghị, có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế; gần 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng đã dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005. Tỉnh Tiền Giang đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Vùng Duyên hải ĐBSCL. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền, gần TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước; kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động của doanh nghiệp được đầu tư đồng bộ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp luôn sẵn sàng.
Tiền Giang còn có nguồn nhân lực dồi dào với trên 1,35 triệu người trong độ tuổi lao động, chất lượng ngày càng được nâng cao với trên 47% lao động đã qua đào tạo. Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 4.800 doanh nghiệp và hàng năm thành lập mới thêm 700 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này sẽ kết nối, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư mới để cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Lê Văn Hưởng, Tiền Giang đang cùng với VNPT chuẩn bị dự án Khu công viên phần mềm Mê Kông. Đồng thời, cũng đã liên kết kết với VNPT để định hướng xây dựng thành phố thông minh nhằm tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng môi trường đầu tư năng động, thông minh cho quá trình hoạt động của doanh nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những lợi thế để thu hút đầu tư, thông qua Hội nghị lần này, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung vào danh mục các dự án có thể triển khai thực hiện được khả thi cao nhất, chất lượng của dự án và ưu tiên phát triển.
Hội nghị cũng đã lắng nghe ý kiến tham luận của các ngành liên quan, đại diện cơ quan hợp tác quốc tế, tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước… chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, cũng như những tiềm năng, thế mạnh và những cơ hội để đầu tư vào các dự án trọng điểm mà tỉnh Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư.
Tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư, nghiên cứu 30 dự án, với tổng mức đầu tư là 16.178 tỷ đồng, phần lớn sẽ được triển khai trong năm 2018 và 2019. Đồng thời có 19 dự án mời gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 16.360 tỷ đồng; phần lớn các dự án này sẽ được lựa chọn nhà đầu tư để triển khai chậm nhất là vào năm 2020.
Trong đó, tập trung các dự án trọng điểm của tỉnh trên các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu khu nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch, hạ tầng thương mại. Song song đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã chuẩn bị các điều kiện và danh mục để mời gọi đầu tư thường xuyên, liên tục và cũng để chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư vào đầu kỳ kế hoạch 5 năm tới với quy mô lớn hơn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị khá tốt Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần đoàn kết thống nhất, sự phát triển khá toàn diện của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời ghi nhận sự quyết tâm chuyển mình theo hướng năng động khi các năm 2016, 2017 và nửa đầu 2018 tỉnh Tiền Giang đều duy trì tốc độ tăng trưởng 8%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bức phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và trở thành động lực phát triển của toàn khu vực ĐBSCL”. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến Tiền Giang lần này, Thủ tướng bày tỏ niềm tin về một địa phương có vị trí chiến lược ở thế phong thủy đắc địa hàng đầu cho sự phát triển của Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Đây là tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Tiền Giang có sự kết nối thuận lợi với TP.HCM, là tỉnh trải dọc sông bờ Bắc sông Tiền và có trục cao tốc Trung Lương với nhiều tỉnh, thành khác qua lại.
Với lợi thế đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng Tiền Giang sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả. Vì thế, Tiền Giang sẽ là xung lực quan trọng của đoàn tàu kinh tế ĐBSCL, phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực ĐBSCL mới có thêm những động năng cho sự phát triển. Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một siêu vệ tinh của TP.HCM nếu có tầm nhìn và khả năng hiện thực hóa tầm nhìn một cách đầy quyết tâm và hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, ĐBSCL được mệnh danh là vương quốc trái cây của cả nước, thì Tiền Giang được xem là “vương quốc của vương quốc trái cây”, bởi nơi đây có nhiều loại trái cây nổi tiếng. Chính vì vậy, Thủ tướng đưa ra câu hỏi với Hội nghị này là: “Liệu Tiền Giang có thể trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không? Tôi rất mong có được câu trả lời trong thời gian sớm nhất từ chính quyền và các nhà đầu tư tại Tiền Giang”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tích cực hơn nữa giải quyết các điểm nghẽn phát triển giúp các nhà đầu tư, tăng cường giải phóng mặt bằng để các quỹ đất sẵn có cho nhà đầu tư, giải quyết tốt các quy hoạch, có tính linh hoạt và hiệu quả; tiếp tục đối thoại với nhiều doanh nghiệp hơn để giải quyết các vướng mắc của đại đa số doanh nghiệp.
Đồng thời, tích cực hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; thực hiện tốt liên kết 5 nhà, trong đó có nhà ngân hàng hỗ trợ cho sản xuất phát triển nông nghiệp, để làm sao chấm dứt tình trạng tính dụng đen đang lan tràn ở một số địa phương. Bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao thì tỉnh Tiền Giang cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp để có nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần xử lý các thủ tục hành chính rườm rà, làm tăng chi phí, phiền hà và mất cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.