Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững

06/07/2018 08:40

(TN&MT) - Chiều ngày 5/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".

Ban chủ trì Hội nghị
Ban chủ trì Hội nghị

Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững; Bí thư Trung ương Đảng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; hơn 600 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế... Sự kiện do Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Các cuộc thảo luận diễn ra trong cả 2 phiên sáng – chiều bàn tới các giải pháp thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chiến lược tăng trưởng Xanh và phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, tập hợp những kiến nghị chính sách, làm tiền đề xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Chủ tịch VCCI kiêm đồng Chủ tịch VBCSD Vũ Tiến Lộc, Việt Nam hoàn toàn có thể "tăng tốc" và trở thành nước có thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập niên tới, với những thành quả ấn tượng về bình đẳng, công bằng xã hội và quản lý Nhà nước đạt hiệu quả. Để làm được điều này, ông Lộc cho rằng, cần có sự đồng thuận và nỗ lực của mọi thành phần trong xã hội, các bên liên quan cũng như sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các tổ chức quốc tế.

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Đại diện Ban tổ chức, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng chia sẻ những xu hướng lớn để có thể tái định hình nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới như việc chuyển dịch các mô hình thương mại; sự gia tăng của nền kinh tế tri thức; biến đổi khí hậu và sự già hóa dân số.

Ông Ousmane Dione cũng giới thiệu những phát hiện quan trọng từ Báo cáo "Công việc tương lai của Việt Nam"; trong đó, nhấn mạnh việc, nếu không khai thác một cách có lợi các xu hướng lớn nêu trên sẽ khiến cho "cỗ máy việc làm"của Việt Nam không hoạt động hiệu quả, dẫn tới tương lai của việc làm tại Việt Nam không đảm bảo.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Ousmane Dione, Việt Nam cần vận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn vốn (như thể chế, con người, sản xuất hoặc vật chất và vốn tự nhiên...), nắm bắt các xu hướng lớn trên thế giới hiện nay.

Trong khuôn khổ diễn ra hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng công bố Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu Xanh toàn cầu 2030 (gọi tắt là Diễn đàn quốc gia P4G). Mục đích của diễn đàn nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối tác công - tư đóng góp vào tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu 2030 thông qua việc thực hiện Tăng trưởng Xanh. Đồng thời, tạo điều kiện phổ biến, mở rộng quy mô thực hiện các giải pháp trên phạm vi toàn cầu.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững

Phiên sáng của hội nghị có 4 tọa đàm chuyên đề xoay quanh một số nội dung như: xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh tế mới không còn khái niệm chất thải và tận dụng triệt để mọi nguồn lực; Tương lai của việc làm trong kỷ nguyên công nghệ 4.0; Lập báo cáo bền vững và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững - những công cụ để quản trị rủi ro, thu hút cơ hội kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh hiện nay; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh - bài toán cần lời giải đáp để phục vụ tăng trưởng kinh tế khi Việt Nam đang đón nhận kỷ nguyên số hóa và tham gia sâu, rộng hơn vào các hiệp định thương mại quốc tế.

Trong buổi chiều, đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trườn đã trình bày về những nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh... Ngoài ra, đại diện các địa phương, doanh nghiệp đã mang đến kinh nghiệm chuyển đổi theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng và ứng phó BĐKH. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Giám đốc WB đã lần lượt trả lời các câu hỏi của từ đại diện doanh nghiệp xoay quanh định hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 17 mục tiêu phát triển bền vững chính là gợi mở về mặt chiến lược để Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực phát triển toàn diện các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Thủ tướng tin tưởng, với sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và quan hệ hợp tác quốc tế chặt chẽ, Việt Nam sẽ hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vưng cùng Chương trình nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt là trong bối cảnh tối ưu hóa mọi thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO