Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp, thay vì triệu tập

22/04/2016 00:00

  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết như vậy về hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào ngày 29/4 tới đây.

 

“Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mời các doanh nghiệp tham dự hội nghị, thay vì Văn phòng Chính phủ hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mời. Thủ tướng chỉ đạo giấy mời thân thiện, trang trọng, chứ không thể như một tờ giấy triệu tập”, ông Hà cho biết tại cuộc họp báo sáng 22/4 do Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ KHĐT và VCCI tổ chức về hội nghị nói trên.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đích thân mời doanh nghiệp, thay vì triệu tập
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đích thân mời doanh nghiệp, thay vì triệu tập

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp có thể sẽ kéo dài tới 13h chiều tùy theo số lượng kiến nghị của doanh nghiệp. Ngay sau hội nghị, trong buổi chiều, Thủ tướng sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp mà chưa được trả lời tại hội nghị.

Với hình thức tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến, dự kiến sẽ có hàng nghìn đại diện doanh nghiệp được tham dự hội nghị với Thủ tướng. Cụ thể, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản… Còn tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến tại 62 tỉnh, thành trên cả nước, mỗi điểm cầu dự kiến có từ 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp.

“Tinh thần của Hội nghị hướng đến đội ngũ doanh nghiệp tư nhân là chính. Mặt khác, khái niệm doanh nghiệp Việt Nam là bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã khẳng định đây là một bộ phận của doanh nghiệp Việt Nam, có pháp nhân Việt Nam. Điều này thể hiện sự đối xử bình đẳng, sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp”, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên là liệu có mời thêm các đại diện hộ kinh doanh cá thể sau vụ việc “người bán phở bị khởi tố”, ông Hà cho biết các cơ quan sẽ xem xét đề xuất này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào ngày 29/4/2016 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Hội nghị đưa ra thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…

Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho biết 2 nội dung chính của hội nghị. Một là xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Hai là xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do cán bộ gây ra.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ chứng kiến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với VCCI về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn. “Chúng tôi mmuốn các cam kết này phải mang tính định lượng, ví dụ như giảm được bao nhiêu giờ thực hiện các thủ tục”, ông Hà cho biết.

Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, trên cơ sở sự chuẩn bị của các cơ quan, hiến kế của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp và căn cứ trên những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

“Ví dụ như thực thi Luật Doanh nghiệp có vướng mắc gì, các lĩnh vực thuế, hải quan… Đất đai, xây dựng cũng là vấn đề rất lớn, tiếp cận khó, giá cao. Lãi suất cũng cao, vốn tiếp cận khó. Rồi các  lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý thị trường, các khoản chi phí không chính thức như các khoản vận động doanh nghiệp đóng góp mà nhiều khi doanh nghiệp không thể chịu nổi… Các bộ ngành sẽ được phân công nhiệm vụ tham mưu giải quyết các vấn đề này”, ông Hà chia sẻ với báo chí.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết cộng đồng doanh nghiệp coi hội nghị với Thủ tướng là một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp.

“Tôi mong đợi không chỉ tại hội nghị này mà trong những ngày này và sau hội nghị, cả nước hãy nghĩ đến việc phát triển doanh nghiệp, hiến kế phát triển doanh nghiệp. Tôi kỳ vọng rằng cuộc gặp của Thủ tướng sẽ mở đầu cho cao trào hiến kế với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cuộc gặp diễn ra trong dịp kỷ niệm những ngày Chiến thắng 30/4 và Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, tôi nghĩ Thủ tướng muốn thúc đẩy cải cách với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” như trong những chiến thắng lịch sử này”, ông Lộc chia sẻ với báo chí.

Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đề nghị báo chí tham gia mạnh mẽ hơn vào việc phản biện chính sách, nêu rõ những bộ ngành, địa phương nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nêu rõ những địa chỉ làm chưa tốt.

Phóng viên đề nghị VPCP cung cấp thông tin về các bộ ngành, địa phương đã gửi báo cáo để chuẩn bị cho hội nghị, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho biết ông “sẵn sàng cung cấp thông tin”. Theo đó, tới ngày 20/4, mới có các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Lào Cai, VCCI, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông có báo cáo, còn các bộ ngành, địa phương khác chưa có báo cáo.

 

Theo Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp, thay vì triệu tập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO