Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Gỡ vướng cho doanh nghiệp

28/04/2014 00:00

(TN&MT) - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014.

   
(TN&MT) - Sáng  28/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
   
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
   
Quý I/2014, gần 17.000 DN gặp khó khăn
   
  Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp, đánh giá những mặt thuận lợi, mặt tốt, mặt làm được, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp cùng bàn thảo và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực với mục tiêu phát huy tối đa những thuận lợi, tạo mọi thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả... nhằm đóng góp vào phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
   
  Theo Báo cáo tổng quan về tình hình doanh nghiệp và và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2014-2015, trong giai đoạn 2011-2013, cả nước có thêm 224.200 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm gần 41% tổng số doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 20 năm (từ 1991-2010).
   
  Năm 2013, kinh tế có dấu hiệu phục hồi và một số khó khăn vĩ mô đã giảm bớt, giúp cho số lượng doanh nghiệp thành lập mới có dấu hiệu tăng trở lại (tăng 10% so với năm 2012).
  Trong quý I/2014, cả nước có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số doanh nghiệp và 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
   
  Tuy nhiên, cũng trong quý I năm nay, vẫn còn gần 17.000 doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước). Nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.
   
  Theo đánh giá chung, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có những chuyển biến tích cực thời gian qua nhưng sự phát triển còn nhiều hạn chế, trong đó nổi lên quy mô doanh nghiệp vẫn chủ yếu là nhỏ và vừa; hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn thấp, cần được cải thiện; thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng; khả năng hấp thụ vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn;...
   
300 kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng
   
  Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thông qua VCCI, hơn 500.000 doanh nghiệp (DN) trong cả nước đã gửi 300 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đề xuất 8 nhóm giải pháp về hệ thống pháp luật kinh doanh, chính sách công nghệ, chính sách thị trường, nhóm giải pháp quan hệ lao động, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại hợp tác giữa cơ quan chính quyền và DN...
   
  Cụ thể, đối với hệ thống pháp luật về kinh doanh, cộng đồng DN kiến nghị cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của DN. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.
   
  Đối với chính sách công nghệ, Nhà nước cần định hướng giúp DN tạo ra bước bứt phá, đi tắt, đón đầu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Xây dựng hàng rào công nghệ…
   
  Ở chính sách thị trường cần bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực DN nhỏ và vừa với các DNNN, các DN lớn và khu vực FDI trong tiếp cận nguồn lực, đất đai, tín dụng… Ông Vũ Tiến Lộc cho hay tất cả các quốc gia đều khẳng định khu vực DN dân doanh trong nước mới là xương sống và động lực chính của nền kinh tế và Việt Nam cũng không nằm ngoài “quy luật” này. Song theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, Nhà nước mới chỉ tập trung quan tâm DNNN, còn khu vực tư nhân chưa được quan tâm đúng mức. “Cần xây dựng lớp DN vừa và nhỏ là đối tác tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu, đủ năng lực hấp thụ tín dụng, công nghệ” - ông Lộc nhận định.
   
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
    
  Về nhóm giải pháp quan hệ lao động, cộng đồng DN kiến nghị tiếp tục giãn tiến độ tiền lương tối thiểu ít nhất trong 2 năm 2014-2015. Sửa quy định về thời gian làm thêm đối với người lao động trong luật Lao động với mức tăng từ 200 giờ lên 300 giờ theo thỏa thuận của người lao động…
   
  Đặc biệt, DN kiến nghị đối với cải cách thủ tục hành chính cần tiếp tục thực hiện đơn giản hóa, giảm chi phí và thời gian thực hiện thủ tục hành chính của tất cả Bộ, ngành đạt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Cùng với đó, ở nhóm giải pháp cuối cùng, cộng đồng DN mong muốn được tăng cường đối thoại hợp tác giữa cơ quan chính quyền và DN, nâng cao vai trò trách nhiệm của VCCI, cũng như các Hiệp hội trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
   
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
   
  Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương… đã giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
   
  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, 60% vốn của ngân hàng hiện nay phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
   
  “Việc cho vay các DNVVN chứa đựng nhiều rủi ro đối với các tổ chức tín dụng. Do vậy, nếu không đảm bảo chất lượng thì nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên.Trong khi Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn nợ xấu gia tăng”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
   
  Về kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, các ngân hàng thương mại hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường vì thế chúng ta cần có cơ chế khác để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, để đảm bảo cơ chế đang tháo gỡ đến được với các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp và đặc biệt có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương. Mô hình này đã diễn ra thành công tại Thành phồ Hồ Chí Minh. Ví dụ, doanh nghiệp cần lãi suất thấp hơn nữa nhưng ngân hàng không cố được và lúc này chính quyền vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp thêm 2-3% lãi suất thì doanh nghiệp hoạt động được.
   
  Về kiến nghị của Hiệp hội DNVVN Nghệ An , ông Nguyễn Văn Bình cho hay, đến nay chúng ta đã giảm lãi suất ở mức thấp nhất có thể, việc giảm điều chỉnh lãi suất hơn nữa phải phụ thuộc vào tình hình ổn định kinh tế vĩ mô.
   
  Theo ông Bình, muốn giảm lãi suất nữa thì cần xem xét vấn đề người dân còn có tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không. Việc giảm lãi suất phải xem xét đến yếu tổ đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. “Nếu có cơ hội chúng tôi sẽ tiến hành giảm lãi suất nhưng phải bền vững, ổn định tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp”.
   
  “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện rất tốt, chúng ta không chỉ đáp ứng vốn mà còn dự trữ vốn đề để khi có doanh nghiệp nhu cầu có thể đáp ứng ngay. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế hiện rất tốt với trên 35 tỷ USD”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
   
  Về kiến nghị của doanh nghiệp tăng mức làm thêm ngoài giờ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, Luật Lao động quy định thời gian làm thêm không quá 200 giờ/năm. Muốn vượt khoảng thời gian này, tới đây, Bộ sẽ báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cấp thiết thì cũng có thể “nới rộng” thời giờ làm thêm từ 200 – 300 giờ/năm. Vì thế, những DN nào nằm trong danh mục những trường hợp cấp thiết thì báo cáo để Bộ báo cáo Chính phủ.
   
Minh Trang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Gỡ vướng cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO