Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chung khát vọng bay nhanh, Việt Nam sẽ tiến bước dài đến thịnh vượng

01/11/2018 17:07

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ. Theo Thủ tướng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm dù cao hay thấp, đó cũng là sự thôi thúc của Quốc hội để Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

(TN&MT) - “Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước, chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa” – Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của Đại biểu Quốc hội chiều 1/11 tại Hội trường Quốc hội.

Thủ tướng cho rằng, qua 10 ngày diễn ra kỳ họp, Quốc hội đã dành nhiều ngày thảo luận, chất vấn và cho ý kiến về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, xây dựng pháp luật, trong đó, có những vấn đề hệ trọng của đất nước. Các ý kiến hết sức đa dạng và sâu sắc, thậm chí, có những ý kiến trái nhau nhưng tất cả đều rất thẳng thắn và tâm huyết, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các đại biểu đối với cử tri cũng như đối với đất nước. 
 

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc phat bieu tai phien chat van chieu 1 (4)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tăng trưởng ấn tượng và bền vững

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù, có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986- 2017 đạt 6,63%/năm. 20 năm gần nhất tăng bình quân 6,3%/năm, 10 năm gần nhất tăng 6%/năm, riêng năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 dự kiến tăng trên 6,7%. Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, tỷ lệ nghèo giảm từ mức trên 60% xuống còn khoảng 7%, và quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.

Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỷ đô-la Mỹ năm 1985 lên ước đạt 244 tỷ đô-la Mỹ năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 đô-la Mỹ nay đã tăng lên gần 2.540 đô-la Mỹ (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 đô-la Mỹ).

Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Mỹ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…

“Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.

Kỳ vọng đột phá vào năm 2045

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua, đến năm 2045 - mốc lịch sử 100 năm nước Nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD. Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

“Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc” – Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng. 

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. “Nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyết liệt thực hiện các mục tiêu

Thủ tướng điểm nhanh một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai: Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó, có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập (nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh,…), nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia..

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, bảo đảm cơ cấu chi NSNN hợp lý hơn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm bội chi NSNN xuống mức 3,5% GDP  vào năm 2020. Triển khai hiệu quả, minh bạch kế hoạch đầu tư công theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và bảo đảm trần nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong mức Quốc hội quy định, trong đó có việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN, hiệu quả sử dụng nợ công, chống thất thu ngân sách.

Thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải chiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó, gỡ bỏ những rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những vấn đề bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng mà nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu.

Ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc gây bất an trong nhân dân như bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm và mất an ninh trật tự an toàn xã hôi, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chóng cháy nổ,...

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.

Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị- xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Nâng cao hiệu quả đổi ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.

Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
 

Trong các phiên chất vấn trước đó, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ, trong đó, có về vấn đề nâng cao tính minh bạch của Chính phủ và giải pháp để hoạt động của các thành viên Chính phủ đều tay hơn; giải pháp đột phá để ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong công tác cán bộ; triển khai chính sách về nhà ở, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Thủ tướng bày tỏ: Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn nhưng đều chung ở bàn tay, vì vậy trước tiên tất cả các thành viên Chính phủ phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Các biện pháp được đưa ra khắc phục, Thủ tướng phải chỉ đạo, đông đốc tốt hơn đối với các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh. Thực tế cùng một cơ chế, cùng một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt. Ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành mà gây ra.

Các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tác nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng trên nóng dưới lạnh.

Phải ự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát cơ sở, sát địa phương, để không được sài vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Cuối cùng không làm được, vi phạm nặng, phải thay đổi công tác cho phù hợp.

Nhiều vấn đề khác cũng được Thủ tướng trả lời làm rõ những thắc mắc của các đại biểu. Thủ tướng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Thủ tướng đề nghị, tất cả hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chung khát vọng bay nhanh, Việt Nam sẽ tiến bước dài đến thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO