Thủ tục để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam

04/03/2016 00:00

(TN&MT) - Hỏi: Bạn tôi là người Anh quốc, hiện đang sinh sống và công tác tại Hà Nội. Vì lí do công việc, bạn tôi muốn định cư lâu dài tại Việt Nam. Vậy, bạn tôi có thể mua nhà đất ở Việt Nam hay không và thủ tục mua bán như thế nào?

Trả lời

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài nếu có dự án đầu tư có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Theo đó, cá nhân nước ngoài không có quyền sử dụng đất tại Việt Nam, không được mua đất hoặc mua cả nhà cả đất.

Trong khi đó, về sở hữu nhà ở, Điểm b Khoản 2 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 quy định:  Cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau: Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, bạn của bạn chỉ được mua nhà ở thương mại (căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở) tại Việt Nam.

Về thủ tục mua nhà, người nước ngoài phải đảm bảo điều kiện thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định tại Khỏa 2 Điều 119 Luật Nhà ở. Theo đó, bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây: Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.

Về giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà tại Việt Nam: Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 51/2009/NĐ-CP quy định: Cá nhân nước ngoài phải có Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ của bên nước ngoài cần phải làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ ngoại giao hoặc Sở ngoại vụ nếu Sở ngoại vụ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ thay Bộ Ngoại giao.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục để người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO