Tại Hội thảo Hội thảo khoa học “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (CMCN 4.0), Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, CMCN 4.0 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo Hội thảo khoa học “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” |
Trong đó, ngành tài nguyên và môi trường có tầm quan trọng và ảnh hưởng đến phát triển bền vững kinh tế, ổn định xã hội, an ninh, quốc phòng; là ngành đã có các bước đi chuẩn bị, ứng dụng các công nghệ hiện đại; là ngành đặc thù trong quản lý, phân tích xử lý khối lượng lớn thông tin, dữ liệu số nên phải chủ động hội nhập trong thời gian sớm nhất.
Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, Thứ trưởng cho rằng ngành tài nguyên và môi trường phải đi trước một bước trong bối cảnh nhiều cơ hội, thời cơ nhưng cũng chứa đựng rủi ro và thách thức như hạ tầng công nghệ còn thấp kém; nguồn nhân lực còn hạn chế; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng.
Ngành tài nguyên và môi trường chủ động hội nhập với cuộc CMCN 4.0
Trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường nhận định, Ngành tài nguyên và môi trường cũng đã và đang chủ động hội nhập với cuộc CMCN 4.0, mạnh dạn thực hiện các nội dung công việc để tiến tới là ngành số hóa toàn diện phục vụ phát triển bền vững.
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường |
Theo ông Hà, thông tin - dữ liệu tài nguyên và môi trường hiện nay cơ bản đã được số hóa; công tác thu nhận, quản lý, lưu trữ, xử lý, sử dụng đã ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và là nhu cầu tự nhiên..
Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử đã tạo ra sự thay đổi căn bản phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị, từ phương thức làm việc giấy tờ, thủ công sang xử lý, thực hiện trên môi trường điện tử trong công tác quản lý, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ; giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng suất lao động của hoạt động công vụ và các công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư, hoàn thiện theo hướng hội tụ, tập trung theo giải pháp điện toán đám mây, cung cấp các hạ tầng, tài nguyên lưu trữ, tính toán và đã chuyển toàn bộ sang mạng IPv6 kết nối trực tiếp cáp quang tới các nhà mạng.
Ông Hà cũng đưa ra chiến lược, phương hướng trong giai đoạn 2020-2025, cuộc CMCN 4.0 ngành Tài nguyên và Môi trường xây dựng được cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước. Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, xây dựng Chiến lược tổng thể Tài nguyên số tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035. Xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược tổng thể Tài nguyên số tài nguyên và môi trường đối với từng lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025.
Đến năm 2025, 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc được chuyển đổi công nghệ thu nhận dữ liệu từ tương tự sang công nghệ số thông minh. Ứng dụng các phần mềm, mô hình chuyên dụng, trí tuệ nhân tạo, hệ chuyên gia trong xử lý, minh giải tài liệu, dự báo, cảnh báo, giám sát về tài nguyên và môi trường đạt tỷ lệ 95%. Từng bước làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ mới, tạo ra các máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát về tài nguyên và môi trường.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học ngày 12/12 |
Đến năm 2025, tạo lập được hệ sinh thái không gian số về tài nguyên và môi trường, bảo đảm các hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường theo thời gian thực, phục vụ nhà nước và xã hội, là nơi công bố, cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin tri thức về tài nguyên và môi trường.
Đến năm 2030, công tác phân tích, xử lý, đánh giá các dữ liệu ngành bảo đảm đưa ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định; tối ưu hóa quy trình công việc, hoàn thiện các chức năng bộ máy tổ chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phục vụ nhiệm vụ quản lý, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong toàn ngành.
Xây dựng Chính sách, áp dụng công nghệ hiện đại để tập trung thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiền, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo tính toán của Ban Kinh tế Trung ương, dự báo tới năm 2030, CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, tương đương mức tăng GDP 7%-16%. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315$- 640$/người so với mức cơ sở vào năm 2030. Giá trị tăng thêm ngành chế tạo là từ 7-14 tỷ USD, ngành nông nghiệp truyền thống là 4,9 tỷ USD, tài chính khoảng 3,5 tỷ USD, thông tin và truyển thông khoảng 2,5 tỷ USD, ngành điện khoảng 4,2 tỷ USD, khu vực hành chính công sẽ tiết kiệm được 0,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung |
Theo ông Hiền, nếu chuyển đổi số thành công, GDP đến năm 2045 của nước ta dự báo có thể tăng thêm 168,6 tỷ đô la Mỹ, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm là khoảng 1,1%. Và đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Với việc Ngành tài nguyên và môi trường là ngành quản lý “không gian phát triển “của đất nước, gồm trên không, trên bề mặt (mặt đất, mặt biển), dưới lòng đất, dưới mặt biển (trong lòng biển, dưới đáy biển). Mọi hoạt động điều tra cơ bản, quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của ngành đều dựa trên kết quả thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp thông tin. Thông tin của ngành bao trùm toàn bộ không gian bốn chiều (lãnh thổ; theo thời gian).
Theo đó, “việc xây dựng được một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên và môi trường và cơ chế để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, tiếp cận, sử dụng và tham gia đóng góp một cách rộng rãi trên cơ sở công nghệ, khả năng kết nối, phân tích, xử lý, chia sẻ của CMCN 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.” – ông Hiền Khẳng định.
Đóng góp ý kiến trên góc nhìn của Bộ Khoa học và Công nghệ, theo ông Trần Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, để đạt được mục tiêu đặt ra và hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải;
Xây dựng được cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước; Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường.
Lãnh đạo Tổng công ty Viettel tham luận tại Hội thảo |
Tham luận với đề tài “Chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh CMCN 4.0”, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin đưa ra lô trình chuyển đổi số quốc gia đối với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường để phát triển kịp thời với xu thế chung của đất nước.
Theo đó, lộ trình chuyển đổi qua 03 giai đoạn chính (2020-2021) thì sẽ chuyển đổi về nhận thức; hành lang pháp lý; tạo dựng các nền tảng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng ICT; đưa ra các mô hình tiên phong.
Trong giai đoạn (2022-2025) sẽ chuyển đổi trong một số lĩnh vực theo chốt như: Tài nguyên môi trường, giao thông, y tế… cũng như trong khu vực kinh tế số, kinh tế tư nhân. Đến giai đoạn (2026-2030) sẽ đổi mới toàn diện về các dịch vụ mới, mô hình kinh tế mới như thương mại điện tử, công nghiệp nội dung số…
Song song với điều đó, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cũng đưa ra các giải pháp để chuyển đổi, phát triển hạ tầng và nền tảng số… cũng đào tạo để chuyển đổi kỹ năng… nhằm đạt được các mục tiêu.
Các giải pháp công nghệ được các chuyên gia báo cáo tại Hội thảo |
Bên cạnh các giải pháp của các Bộ, Ngành, các cơ quan nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như Đại học Bách khoa, Tổng công ty Viettel, công ty Dell Việt Nam cũng đưa ra những nghiên cứu, thực tiễn khoa học về: Công nghệ chuỗi khối (blockchain); Trí tuệ nhân tạo; Sử dụng hệ sinh thái IoT… để ứng dụng và giải các bài toán của ngành tài nguyên và môi trường, tất cả đều hướng tới mục tiêu là chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Khai thác nguồn tài nguyên số để phát triển bền vững kinh tế - xã hội
Lắng nghe các ý kiến từ các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn tiếp tục kết nối với các nhà khoa học, các nhà quản lý hoạch định chính sách phối hơp cùng nhau đề xuất, xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến tăng cường năng lực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời, đẩy mạnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các đối tác quốc tế cũng như là trong nước, tiếp cận với phương thức, công cụ quản lý tiên tiến và ứng dụng các công nghệ.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu |
Sau hội thảo này, Bộ tài nguyên và Môi trường sẽ giao Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục công nghê thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ. Đồng thời làm đầu mối để phối hợp với các đơn vị lãnh đạo trong và ngoài để xây dựng các chương trình triển khai Cách mạng công nghiệp 4.0, đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để đánh giá, làm rõ về thực trạng, nhu cầu, mức độ sẵn sàng và các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài nguyên và Môi trường
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là “Phải khai thác tối đa nguồn Tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, biến nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường thành nguồn lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và bền vững kinh tế - xã hội của đất nước”.