Tại buổi làm việc, đoàn đã báo cáo với Thứ trưởng Lê Công Thành về một số kết quả chính của nghiên cứu được thực hiện bởi IUCN và Trung tâm Nghiên cứu Stimson với mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch tổng thể chiến lược nước - năng lượng trong khu vực Mê Công hướng tới sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào - Campuchia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, năng lượng và môi trường.
Trao đổi với Thứ trưởng Lê Công Thành, ông Jacob Brunner rất ấn tượng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thoả thuận Paris và những chương trình gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh…
Ông Jacob Brunner cho biết, trong “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính" (MRC Council Study) mới đây của Ủy hội Sông Mê Công cho thấy, hiện nay tác động môi trường và xã hội từ phát triển thủy điện trên dòng Mê Công đã ảnh hưởng tới việc sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng Sông Cửu Long và qua đó tới an ninh lương thực của khu vực.
Đối với Việt Nam, ông Jacob Brunner đánh giá là một quốc gia dễ bị tổn thương nhất do việc phát triển thủy điện thiếu quy hoạch trong khu vực nhưng lại có nhiều chuyên gia khoa học và công nghệ để giúp đỡ các quốc gia khác trong khu vực. Nhân dịp này, ông Jacob Brunner cũng giới thiệu ý tưởng về một sáng kiến nhằm thúc đẩy hơn nữa việc trao đổi, thảo luận và thỏa thuận giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Cam pu chia, Lào và Việt Nam nhằm góp phần giải quyết một cách tổng thể những vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng sạch, quản lý nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cảm ơn những đánh giá và đề xuất của IUCN và Trung tâm Nghiên cứu Stimson, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách quyết liệt liên quan đến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bên cạnh khai thác thủy điện thì Việt Nam đã và đang có nhiều dự án về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… để đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển; đồng thời khai thác các nguồn lực một cách hài hòa, bền vững. Việc này cũng đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với Biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Lê Công Thành cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến những cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, hài hòa các lợi ích của quốc gia và khu vực, mang lại những lợi ích kinh tế rõ ràng nhưng phải đảm bảo giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và xã hội, đóng góp vào các cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris.
Thứ trưởng đề nghị IUCN và Trung tâm Nghiên cứu Stimson cung cấp thêm thông tin chi tiết về sáng kiến và chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo tham mưu cũng như xem xét tham khảo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan, cụ thể là Cục QLTNN, VP UBSMC, Cục BĐKH, Vụ Hợp tác Quốc tế; trong đó Vụ Hợp tác Quốc tế là đơn vị đầu mối thông tin.
Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn đoàn và thể hiện mong muốn hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với IUCN cũng như Trung tâm Nghiên cứu Stimson trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.