Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến: Bảo vệ môi trường chỉ hiệu quả khi các ngành cùng vào cuộc

23/09/2014 00:00

(TN&MT) - Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí” vừa được Bộ TN&MT công bố là cơ sở cho việc đánh giá, phân tích nguyên nhân,...

(TN&MT) - Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí” vừa được Bộ TN&MT công bố là cơ sở cho việc đánh giá, phân tích nguyên nhân, hiện trạng, tác động và xu hướng các vấn đề có liên quan đến môi trường không khí tại Việt Nam. Báo cáo sẽ là tài liệu vô cùng quan trọng để hỗ trợ cho việc điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch và giải pháp nhằm bảo vệ môi trường không khí của tất cả các Bộ, ngành. Để thấy rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Bùi Cách Tuyến ngay trong Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013.
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia năm 2103. Ảnh Xuân Hợp
    

PV: Được biết, với định kỳ 5 năm một lần, Bộ TN&MT có trách nhiệm lập Báo cáo Môi trường quốc gia theo kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và Báo cáo chuyên đề về môi trường hàng năm để Chính phủ trình Quốc hội. Vậy điểm nổi bật của Báo cáo môi trường không khí năm nay là gì, thưaThứ trưởng?
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Như chúng ta đều biết, môi trường không khí hiện đang bị ô nhiễm từ các nguồn như hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng, dân sinh và ô nhiễm xuyên biên giới. Trong đó, hoạt động giao thông đường bộ là nguyên nhân chính gây ô nhiễm; bụi và các chất độc hại tại các đô thị lớn, khí thải từ các KCN, CCN và bụi từ các công trình xây dựng cũng là nguồn gây ô nhiễm lớn. Trong những năm gần đây, hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ sau thu hoạch… gây ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Đặc biệt, vấn đề ô nhiễm khói mù từ các nước láng giềng cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường không khí nước ta. Năm nay với chủ đề là môi trường không khí, nhờ sự phát triển của các phương tiện về quan trắc không khí nên báo cáo đề cập tới nhiều vấn đề mới so với các báo cáo trước đây, chẳng hạn vấn đề về bụi. Ngoài những chỉ tiêu cũ trong không khí từ các nguồn thải đưa ra thì báo cáo mới cũng lưu ý về các hiện tượng tăng ozon ở một số trường hợp phát triển ngoài quy luật. Bên cạnh đó, báo cáo cũng tập trung nghiên cứu nhằm thực hiện việc cải thiện cuộc sống của người dân.
   
PV: Báo cáo môi trường năm 2013 cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của thủ đô Hà Nội vượt ngưỡng nhiều lần so với các tỉnh thành khác. Thứ trưởng có những khuyến cáo gì nhằm cải thiện tình hình này?
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Đây là báo cáo của Bộ GTVT đã có đo đạc các thông số, lấy dữ liệu toàn quốc, bên cạnh đó cũng đưa ra một số liệu đáng lưu ý cho Hà Nội. Đối với Hà Nội, nếu muốn cải thiện tình hình hiện nay lãnh đạo thành phố Hà Nội cần phải có hiệu lệnh chung cho tất cả các ngành cùng tham gia. Đồng thời cũng phải sớm triển khai Luật Thủ đô tới đông đảo cộng đồng trên địa bàn thành phố để người dân sớm tuân thủ theo những quy định mới của luật. Với những cách làm hợp sức và trong một thời gian dài thì môi trường không khí của thành phố Hà Nội sẽ sớm được cải thiện.
   
   
PV: Trong thời gian gần đây, một số nghiên cứu đã cho thấy, Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới. Vậy Thứ trưởng có nhận định như thế nào về điều này, thưa ông?
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới đáng lo ngại nhất hiện nay không phải là không khí mà là nguồn nước. Chúng ta đều biết là tất cả các ô nhiễm đều xuất phát từ nguồn của nó và bị các nguồn gió đối lưu không khí dẫn đi qua các vùng khác. Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, Việt Nam cũng không tránh khỏi thực trạng bị lệ thuộc vào ô nhiễm xuyên biên giới, gây ra các hiện tượng mưa axit, mưa có màu đã xảy ra ở nước ta . Điều này đòi hỏi sự nỗ lực chung của nhiều quốc gia thông qua các hội nghị quốc tế, các công ước và các nước phải thông qua quan trắc, giám sát thường xuyên để phát hiện các nguồn ô nhiễm thuộc về nước nào và phải thông báo cho nhau để tìm cách cắt đứt nguồn ô nhiễm. Trên thực tế, vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới là một thực trạng mà tất cả các nước đều phải cố gắng để giải quyết.
   
PV:  Trước những mối nguy hiểm từ gia tăng ô nhiễm không khí như Báo cáo môi trường năm 2013 đã cảnh báo, Bộ TN&MT sẽ thực hiện những giải pháp nào để cải thiện ô nhiễm môi trường trong thời gian sắp tới, thưa Thứ trưởng?
   
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí là một giải pháp tổng hợp đòi hỏi sự tham gia của nhiều Bộ ngành, nhiều địa phương và của các tầng lớp xã hội. Chẳng hạn như trong lĩnh vực giao thông vận tải phải giải quyết vấn đề khí thải của các phương tiện giao thông để làm giảm bớt lượng khí thải phát sinh. Với ngành nông nghiệp phải cải thiện tình hình canh tác gây tác động xấu tới môi trường không khí như đốt đồng chẳng hạn; rồi một số ngành sản xuất như xi măng, những ngành khác gây bụi cũng phải hết sức chú ý để làm giảm lượng bụi cho môi trường. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cần phải hết sức chú trọng trong quá trình vận chuyển các vật liệu và thi công công trình...
   
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
   
Nguyễn Cường (thực hiện)
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến: Bảo vệ môi trường chỉ hiệu quả khi các ngành cùng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO