Thu Ngân sách Nhà nước 2013: Lần đầu tiên ước không đạt dự toán

23/10/2013 00:00

(TN&MT) - Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách...

(TN&MT) - Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 chỉ ra, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
   
   
  Theo Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 do Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội chiều 23/10 cho thấy: Mặc dù mức lạm phát dự kiến được kiềm chế ở mức khoảng 7% nhưng nền kinh tế vẫn rất khó khăn. Một số cân đối vĩ mô chưa vững chắc, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa phục hồi, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,4%, tuy có cao hơn mức tăng trưởng của năm 2012 (5,03%) nhưng chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra (5,5%). Theo ông Phùng Quốc Hiển, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
  Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Trong đó, thu NSNN từ đất đai và dầu khí được đánh giá là nguồn thu ngày một khó khăn. Về thu tiền sử dụng đất, Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cho rằng, chính sách quản lý và thu NSNN từ đất đai còn nhiều bất cập, số thu tiền sử dụng đất giảm so với thực hiện năm 2012 (bằng 82%). Mặt khác, nguồn lực đất đai ngày càng hạn hẹp, không thể dựa nhiều vào nguồn thu này để hướng tới ngân sách bền vững, tránh những hệ lụy về cả kinh tế và xã hội.
  Đánh giá về nguyên nhân  hụt thu NSNN năm 2013, Ủy ban TCNS cho rằng, do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh. Cùng với đó, dự toán thu, chi NSNN năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao, do kết quả thu NSNN năm 2012 giảm lớn so với ước thực hiện, nên tỷ lệ dự toán thu nội địa (trừ tiền sử dụng đất) và thu từ hoạt động XNK năm 2013 tăng xấp xỉ 20% so với thực hiện năm 2012, đây là mức tăng lớn.
  "Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng”, ông Phùng Quốc Hiển nói.
  Ngoài ra, số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương, cho thấy tình hình tài chính của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặt khác, cũng thấy rằng công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa thường xuyên, tính quyết liệt chưa cao. Đó là chưa kể, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hầu hết đều phát hiện phải truy thu thuế.
  Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ ước thu cân đối NSNN chỉ đạt 92,2% so với dự toán (hụt thu 63.630 tỷ đồng) là khá sát tình hình, song vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.
Thúy Hằng
   
Dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tăng 7,9% so với ước thực hiện năm 2013. Ủy ban TCNS cho rằng, trong giai đoạn khó khăn khi tốc độ tăng thu giảm, bội chi NSNN đã cao hơn kế hoạch, dư nợ công tăng nhanh, nhiều khoản nợ của NSNN chưa được xử lý nhưng dự toán chi NSNN theo đề nghị của Chính phủ vẫn tăng 2,9% so với dự toán năm 2013 là chưa thể hiện rõ thông điệp phải triệt để tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hơn nữa cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay.
Về mức bội chi năm 2014, Chính phủ đề nghị ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng).
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu Ngân sách Nhà nước 2013: Lần đầu tiên ước không đạt dự toán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO