Thu hút tài trợ quốc tế: Dấu ấn trong chống biến đổi khí hậu

30/10/2014 00:00

(TN&MT) - Thu hút nguồn tài trợ quốc tế cho ứng phó với BĐKH là một trong những dấu ấn rõ nét của các cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu trong thời gian qua.

(TN&MT) - Thu hút nguồn tài trợ quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những dấu ấn rõ nét của các cơ quan quản lý về biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Gần 1 tỷ USD là nguồn kinh phí không phải là lớn cho công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu kéo dài hàng chục, hàng trăm năm song đã thể hiện rõ nỗ lực của các cấp, các ngành chỉ trong 5-6 năm qua. 
   
Thu hút hơn 1 tỷ USD
   
  Quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu thực sự được khởi đầu từ Quyết định 158/QĐ-TTg ra đời cuối năm 2008, khai sinh Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau đó, chính phủ Đan Mạch đã hỗ trợ gần 40 triệu USD để thực hiện Chương trình này trong 5 năm (2009-2013).
   
  Nhìn thấy rõ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, nhiều nhà tài trợ quốc tế bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Năm 2009, chính các nhà tài trợ quốc tế phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan thành lập Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC). SP-RCC trở thành một diễn đàn đối thoại chính sách quan trọng giữa chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế. Từ đây, một nguồn kinh phí đáng kể đã được đầu tư để xây dựng hệ thống chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu ở các Bộ, ngành. Từ năm 2009 cho đến nay, các nhà tài trợ SP-RCC đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng được 219 hành động chính sách ứng phó với BĐKH.
   
  Theo thống kê, trong 6 năm qua, Chương trình SP-RCC thu hút được hơn 1 tỷ USD, trong đó gần 20 triệu USD là viện trợ không hoàn lại; số còn lại là vay lãi suất thấp. Năm 2014 là năm nhận được số vốn tài trợ cao nhất, khoảng hơn 223 triệu USD.
   
  6 nhà tài trợ quốc tế thân thiết của chương trình là Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Xuất-Nhật khẩu Hàn Quốc (K-Eximbank), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT).
   
Một cuộc họp của UBQG về BĐKH do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, PCT thường trực UBQG về BĐKH chủ trì
    
   
  Tin tưởng vào sự sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho biến đổi khí hậu, các nhà tài trợ quốc tế cũ và mới tiếp tục có những cam kết cho tương lai. Đối với chương trình năm 2015, hiện đã có 2 nhà tài trợ cam kết mức hỗ trợ là JICA – 100 triệu USD và AfD – 28 triệu USD. Chính phủ Australia dự kiến hỗ trợ kỹ thuật khoảng 1 triệu USD…  
   
Cần cơ chế tài chính riêng cho biến đổi khí hậu
   
  Tại cuộc họp giữa Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu với các nhà tài trợ quốc tế mới đây, đại diễn JICA hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong sử dụng nguồn vốn quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu.
   
  Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án cấp bách thuộc Chương trình SPRCC tạo thuận lợi cho việc cấp kinh phí trực tiếp, đúng mục tiêu. JICA cho rằng, cơ chế  này là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới việc xây dựng một hệ thống tài chính cho biến đổi khí hậu tiến bộ ở Việt Nam, trong đó có các kênh riêng với nhiều ưu đãi.
   
  Bên cạnh đó, các nhà tài trợ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TN&MT nghiên cứu, xác định một cơ chế tài chính khác nhằm đảm bảo các Bộ, ngành được tiếp cận đầy đủ nguồn lực để thực hiện các hành động chính sách trong khuôn khổ Chương trình SP-RCC.
   
  Để nâng hiệu suất, hiệu quả của các cơ chế tài chính cho biến đổi khí hậu, JICA đề nghị cần tiếp tục củng cố hệ thống phân bố ngân sách, lập kết hoạch, theo dõi tiến độ để tăng tính minh bạch và độ tín nhiệm của các cơ quan quản lý và thực thi các dự án biến đổi khí hậu. Đó là mấu chốt để tạo niềm tin, thu hút nhiều hơn nguồn tài trợ quốc tế.
   
Nhật Thu
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút tài trợ quốc tế: Dấu ấn trong chống biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO