Thu hồi đất nông nghiệp: Cần quan tâm hơn tới sinh kế của người dân

11/08/2015 00:00

(TN&MT) - Mặc dù, đã có nhiều quy định về hỗ trợ, bảo đảm hơn về lợi ích của người dân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo Luật Đất đai năm 2013, tuy nhiên PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, các chính sách này còn chưa thực sự sát với thực tiễn.

Người nông dân vẫn thiệt thòi

Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, Hiến pháp và Luật Đất đai 2013 quy định đất đai là tài sản chung của mọi công dân Việt Nam nhưng giao cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý thống nhất. Trong đó, Luật nêu rõ các quyền của Nhà nước về lập và yêu cầu người dân tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Nhưng người dân chỉ có một số ít quyền theo phạm vi “hẹp” là sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp theo kế hoạch mà không được tự ý chuyển đổi mục đích. Đặc biệt, phải trả lại đất cho cơ quan trước khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng theo nguyên tắc nếu không có đất bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Bên cạnh đó, người nông dân dù có được hưởng sự hỗ trợ đền bù chuyển đổi đất nhưng giá đất nông nghiệp vẫn được tính thấp hơn rất nhiều so với giá các loại đất khác trên thị trường. Bởi, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hiện hành, Hội đồng định giá đất do Chủ tịch tỉnh, thành phố quyết định, căn cứ trên hệ số sử dụng đất. Trong hội đồng này không có thành viên đại diện người nông dân phản ánh giá đất theo giá thị trường. Hội đồng định giá đơn phương đưa ra giá đất thu hồi, không hề có sự thỏa thuận với người dân. Từ những quy định này đã dẫn đến việc định giá đất đền bù không bao giờ tiệm cận với giá thị trường, tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa việc tính giá đất trước và sau khi thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, tại nhiều Dự án Đô thị hóa, công nghiệp hóa, khi Nhà nước đền bù cùng tất cả các khoản hỗ trợ khác cho người dân với mức giá thấp, nhưng khi các dự án, đặc biệt là các Dự án nhà ở lại được định giá bán theo giá thị trường với mức giá rất cao.

Thu hồi đất nông nghiệp cần có những chính sách sát thực với thực tiễn. Ảnh: Hoàng Minh
Thu hồi đất nông nghiệp cần có những chính sách sát thực với thực tiễn. Ảnh: Hoàng Minh

Bên cạnh đó, theo PGS.TS. Trần Thị Minh Châu, mặc dù quy định hỗ trợ người nông dân sau khi đền bù đất, phần đền bù cho phép gấp 5 lần giá đất nông nghiệp nhưng người nông dân vẫn mất đất canh tác. Với nhà đầu tư đất là tài sản, nhưng đối với người nông dân đất không chỉ là tài sản mà còn là tư liệu sản xuất.

Mặt khác, sau khi nhận tiền đền bù nhưng không còn đất để làm nông nghiệp thì người dân buộc phải chuyển nghề, tuy nhiên, cách hỗ trợ đào tạo nghề hiện nay hiệu quả còn chưa cao. Kết quả các cuộc điều tra những năm gần đây cho thấy, các chương trình đào tạo không mang lại cơ hội tìm được thu nhập đủ sống cho người dân, nhất là những người ở độ tuổi lao động, lao động chính trong khi đó số người được dự án lấy đất thuê không đáng kể. Do đó, với số tiền đền bù đa phần người dân không thể lập nghiệp. Hầu hết, họ dùng tiền để xây nhà, mua đồ dùng và gửi tiết kiệm… “Khoảng vài ba năm sau khi nhận tiền đền bù thì mức sống người dân có tăng lên, nhưng do không biết sinh lời nên khoảng sau 10 mức sống của họ kém đi và chuyển từ nghèo mà ổn định sang nghèo và bấp bênh” - PGS.TS. Trần Thị Minh Châu nói.

Chú trọng tới sinh kế   người dân

Để tháo gỡ nhưng bất cập trên, PGS.TS. Trần Thị Minh Châu kiến nghị, cần bổ sung đại diện nông dân có đất bị thu hồi  trong Hội đồng định giá đất và sau đó thông báo với người dân để vận động. Cần định giá theo mục đích sử dụng đất mới phù hợp với quy hoạch và có phương án chia sẻ lợi ích với người nông dân theo phương thức linh hoạt như: nâng diện tích đất dịch vụ lên 20-30 quỹ đất hoặc trừ lùi mức nộp thuế cho Nhà nước… Khắc phục tình trạng giá chỉ bằng 1/5 mức hỗ trợ đào tạo nghề như hiện nay.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc trong việc thu hồi đất nông nghiệp chuyển cho các nhà đầu tư phi nông nghiệp, nhất là đầu tư thủy điện vì chi phí xã hội mà người dân phải gánh là quá lớn. Khuyến khích nhà đầu tư tận dụng đất không thể sử dụng vào sản xuất nông nghiệp và tăng mật độ sử dụng trên đất

Mặt khác, Nhà nước cần chú trọng sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất, coi trọng vấn đề chuyển đổi nghề, hoặc hỗ trợ thích đáng để cải tạo đất nơi tái định cư để họ có thu nhập tốt hơn. Cụ thể, cần thận trọng cân nhắc khi thu hồi đất, hỗ trợ có thu nhập từ nghề mới ít nhất theo mức ổn định như cũ, đến khi nào người dân đảm bảo mức thu nhập ổn định mới ngừng hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ một lần như hiện nay, đồng thời tách các chính sách an sinh ra khỏi chính sách giá đền bù đất.

Ngoài ra, cần tăng cường, kiểm tra, giám sát bằng kênh độc lập việc thu hồi giao đất để đảm bảo việc thực thi đúng pháp luật của đội ngũ quản lý đất đai. Một trong những kênh đó chính là người nông dân, bởi họ cần được tham khảo ý kiến trước khi thu hồi đất và giám sát trong quá trình qua các thông tin công khai về giá, thủ tục, quy trình…

 

Khi Nhà nước thu hồi đất người dân có đất nông nghiệp sẽ được hưởng các quyền lợi:

Thứ nhất, được bồi thường theo giá Nhà nước quy định. Theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì: đất trong hạn mức sẽ được đền bù về đất và giá trị đầu tư vào đất còn lại, đất ngoài hạn mức không được đền bù về đất.

Thứ hai, theo Nghị định 47/2014/NĐ-CP nông dân bị cơ quan Nhà nước thu hồi đất có thể được hưởng nhiều loại hỗ trợ như hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ ổn định sản xuất, hỗ trợ học nghề…

Thứ ba, nông dân có thể được hỗ trợ tái định cư nếu địa phương còn đất đền bù hoặc cơ quan Nhà nước lấy mất đất ở của họ.

Trường Tuyết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hồi đất nông nghiệp: Cần quan tâm hơn tới sinh kế của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO