Thu gom, xử lý chất thải đô thị: Còn nhiều bất cập

27/12/2016 00:00

(TN&MT) - Cùng với tốc độ đô thị hóa việc thu gom, xử lý chất thải vẫn chưa thực hiện triệt để  khiến bộ mặt đô thị ở nhiều địa phương trở nên không tương xứng với hạ tầng đã được đầu tư.

Phân loại chất thải rắn tại nguồn còn yếu

Theo báo cáo từ một số tỉnh, thành phố, tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có tỷ lệ thu gom khu vực nội thành đạt mức tuyệt đối 100% như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. Riêng Thủ đô Hà Nội đạt khoảng 98%. Các đô thị loại 2 cũng có cải thiện đáng kể, đa số các đô thị đều đạt tỷ lệ thu gom ở nội thành khoảng 80 – 85%. Ở các đô thị loại 4 và 5, công tác thu gom được cải thiện không nhiều do nguồn lực còn hạn chế, thu gom phần lớn do các hợp tác xã tư nhân thực hiện nên thiếu vốn đầu tư.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện công tác phân loại CTR sinh hoạt đô thị chưa phân loại tại nguồn. Hoạt động thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt tại các đô thị được cung cấp chủ yếu bởi các công ty dịch vụ công ích và một phần các doanh nghiệp tư nhân thực hiện với tỷ lệ ngày càng cao. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt độ thị năm 2015 đạt khoảng 85% (tăng 0,5% so với năm 2014), đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050. Hiện đã có 55/63 địa phương đã phê duyệt quy hoạch quản lý CTR và là cơ sở quan trọng để lập dự án thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR.

Chất thải rắn đô thị  nhiều nơi chưa được thu gom triệt để
Chất thải rắn đô thị nhiều nơi chưa được thu gom triệt để

Bên cạnh đó, hiện phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTR sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Các bãi này chủ yêu là các bãi rác tạm lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác….Đây chính là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, hoạt động sản xuất của cộng đồng xung quanh.

Hiện còn khoảng 132 bãi chôn lấp đã được rà soát, thống kê là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cần phải xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020 theo Quyết định 1788/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để của các bãi chôn lấp còn chậm, do thiếu nguồn lực thực hiện.

Nhiều nơi xử lý chất thải rắn y tế chưa đúng 

Theo báo cáo số 231/BC – CP ngày 22 tháng 5 năm 2015  của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường cho thấy đối với xử lý CTR y tế so với giai đoạn trước, hoạt động này đã được tăng cường và cải thiện. Tuy nhiên việc đầu tư vẫn chưa được đồng bộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Đặc biệt là hoạt động thu hồi và tái chế CTR y tế nhiều nơi thực hiện không đúng theo quy chế quản lý CTR đã được ban hành.

Số liệu báo cáo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) về tình hình quản lý đối với CTR y tế đã có hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và có thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương do Sở Y tế quản lý, công tác thu gom, lưu giữ và vận chuyển CTR y tế chưa được chú trọng, đặc biệt là công tác phân loại và lưu giữ chất thải tại nguồn. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ CTR y tế được thu gom đạt trên 75%. Hầu hết các bệnh viện đều tiến hành thu gom nhưng phương tiện thu gom còn thiếu và chưa đồng bộ. Hầu hết chưa đạt tiêu chuẩn, không có trang thiết bị đảm bảo cho quá trình vận chuyển được an toàn.

Bên cạnh đó, trong khoảng hơn 300 tấn chất thải y tế mỗi ngày trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 1/3 CTR được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn ra ngoài môi trường. Hiện còn lại tới 33% bệnh viện tuyến huyện và tỉnh không có hệ thống lò đốt chuyên dụng phải xử lý chất thải y tế nguy hại bằng các lò đốt thủ công hoặc chôn trong khuôn viên bệnh viện. Có trường hợp còn thải trực tiếp ra bãi rác chung, nơi có đông dân cư sinh sống và không ít được tuồn bán ra ngoài để tái chế. Đây thực sự là những mối nguy hiểm đe dọa tới môi trường và cuộc sống người dân.

Trong chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý. Để thực hiện mục tiêu này, việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn để áp dụng vào điều kiện cụ thể đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương.

Theo nhiều chuyên gia, trước hết Nhà nước cần tạo các cơ chế khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong các dịch vụ quản lý và xử lý CTR, đồng thời cần thực thi có hiệu quả một số chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án môi trường. Có như vậy mới “mở rộng” cánh cửa cho công tác xã hội hóa thu gom và xử lý rác thải các đô thị lớn.

Nguyễn Cường

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu gom, xử lý chất thải đô thị: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO