Thông tin tiếp bài "Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi"

24/08/2016 00:00

(TN&MT) – Năm 2014, Báo Tài nguyên & Môi trường có loạt bài “Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi” phản ánh Công trình phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ” huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) không chỉ thi công chậm tiến độ mà tuyến đê tả sông Bưởi vừa hoàn thành đã thể hiện sự xuống cấp, trên mặt đê các vết nứt dài cả trăm mét. Giờ đây, tuyến đê hữu sông Bưởi cũng xuất hiện chằng chịt những vết nứt kéo dài hàng chục mét.

Công trình Phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ” huyện Thạch Thành được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 1455/QĐ – UBND ngày 04/05/2010 với mức đầu tư cho công trình là 549.972 triệu đồng do UBND huyện Thạch Thành làm chủ đầu tư. Đến ngày 21/10/2011 UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư tại Quyết định số 3478/QĐ – UBND từ 549,972 tỷ đồng lên 629,846 tỷ đồng.

Đê hữu sông Bưởi sụt lún, xuống cấp
Đê hữu sông Bưởi sụt lún, xuống cấp

           

Sau khi được điều chỉnh mức đầu tư thì mặc dù bước sang năm thứ 4 thi công nhưng công trình trọng yếu này vẫn còn dang dở, đặc biệt chất lượng công trình đã có những biểu hiện xuống cấp dù dự án chưa hoàn thành. Tuyến đê tả sông Bưởi xuất hiện các vết nứt dài hàng trăm mét và rộng 1 – 2 cm từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa hề được tu sửa, gia cố. Niềm vui của nhân dân về một dự án khẩn thiết mang tính chiến lược lớn lại đi kèm với nỗi lo cũng ngày một không nhỏ với chất lượng của công trình trăm tỷ này.            

Đến nay, tuyến đê hữu sông Bưởi lại chằng chịt các vết nứt, nhiều điểm bê tông bị bong tróc lộ nhiều lớp đá mấp mô, nham nhở. Theo quan sát của PV, ngay trạm bơm tiêu Cổ Tế, xã Thạch Long mặt đê đã xuất hiện các vết nứt, sau đó là các đoạn qua trạm bơm tiêu Hón Sành và xuống cấp nhiều nhất và các vết nứt dài, rộng nhất xuất hiện tập trung ở thôn Đồng Thạch, xã Thạch Đồng.

Các vết nứt rộng 1 – 2 cm dài cả trăm mét
Các vết nứt rộng 1 – 2 cm dài cả trăm mét

Một người dân ở  đây cho biết: Từ khi có dự án của Nhà nước về triển khai bà con vô cùng phấn khởi và an tâm. Thế nhưng, công trình mới đi vào sử dụng đã có những biểu hiện xuống cấp khiến nhân dân vô cùng bất an. Riêng các vết nứt toang hoác và sụt lún trên mặt đê thì đã xuất hiện từ đầu năm 2016, nhưng nhưng chưa thấy đơn vị nào kiểm tra và khắc phục, xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Sợ - Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng khẳng định: Các vết nứt là rõ ràng, bằng mắt thường cũng quan sát được, thậm chí có đoạn nứt rộng 1 – 2 cm, địa phương cũng đã báo cáo bằng miệng qua các hội nghị cấp huyện nhưng thấy có đơn vị nào tu sửa. Vị Chủ tịch cũng cho biết rằng: Tuyến đê hữu sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Đồng xuống cấp, nứt từ đầu năm 2016 nhưng tháng 5/2016 UBND huyện Thạch Thành vẫn có Quyết định bàn giao cho UBND xã quản lý.

Phải chăng công trình trăm tỷ đã bị “rút ruột” mới làm xuống cấp nhanh chóng như vậy
Phải chăng công trình trăm tỷ đã bị “rút ruột” mới làm xuống cấp nhanh chóng như vậy

Cụ thể: Quyết định số 2056/QĐ – UBND ngày 31/05/2016 của UBND huyện Thạch Thành về việc bàn giao công trình đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành với nội dung Bàn giao công trình: Nâng cấp tuyến đê hữu sông Bưởi thuộc địa phận huyện Thạch Thành thuộc dự án phân lũ, chậm lũ và nâng cấp cơ sở hạ tầng “sống chung với lũ” với giá trị tài sản cố định là 137,048 tỷ đồng, tuyến đê hữu qua 4 xã Thạch Tân, Thạch Định, Thạch Đồng và Thạch Long, riêng đoạn đê hữu sông Bưởi qua xã Thạch Đồng có chiều dài 4,3 km có giá trị tài sản cao nhất lên đến 57,93 tỷ đồng.

Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường điện tử đã nhiều lần liên hệ với ông Trịnh Cửu Long – Trưởng ban quản lý dự án các công trình huyện Thạch Thành. Thế nhưng, đến chiều vị Trưởng ban cũng vắng mặt, liên hệ qua điện thoại thì ông Trịnh Cửu Long cho rằng: Trưởng ban, Phó ban đều bận và yêu cầu PV quay trở lại Chánh văn phòng UBND huyện để đăng ký nội dung làm việc!.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bài & ảnh: Tuyết Trang - Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin tiếp bài "Cần làm rõ những khuất tất trong dự án kè đê sông Bưởi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO