(TN&MT) - Chiều 30 tết, ôm súng đứng gác giữa biển nước mênh mông cách đất liền 600 kilomet, nỗi nhớ đất liền của gần 200 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 như thấu ruột gan. Hình ảnh bố, mẹ, vợ, con, đường làng, ngõ xóm quê nhà, cứ ẩn hiện trong tim người lính trẻ. Càng nhớ đất liền, càng vững vàng tay súng canh biển mùa xuân cho nhân dân cả nước đón mùa xuân bất tận, đó vừa là nhiệm vụ, vừa là niềm tự hào của lính “đầu đội trời, chân đạp sóng” phía đường biên Tổ quốc.
Gần 200 cán bộ chiến sĩ đang trấn giữ đường biên của Tổ quốc xuân Kỷ Hợi này ngoài 15 “pháo đài thép” đóng quân trên thềm lục địa phía Nam, là ngần ấy tâm tư, nỗi niềm, nhiệm vụ khác nhau, song họ đều có chung một sứ mệnh là bảo vệ vững chắc 15 “cột mốc sống” nơi họ đang ở, và tất cả đều nhớ đất liền. Đối với sĩ quan “già” có thâm niên công tác trên các nhà giàn 25-30 năm, được gọi là “quen, trơ” nỗi nhớ nhà, song mỗi dịp mùa xuân trong tim họ cũng sao xuyến đầy vơi. Còn đối với lính trẻ lần đầu đón tết xa quê, thì nỗi nhớ đất liền luôn canh cách trong lòng.
31 tuổi quân, 27 năm làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Xuân Kỷ Hợi này, thêm một lần nữa trung tá Nguyễn Hữu Thuận đón tết ngoài nhà giàn. Tuy chưa phải là “tấm thẻ số 1” trong những sĩ quan có thâm niên đón tết ngoài biển, nhưng lần nào đón xuân trên biển lòng anh cũng xốn xang xúc động. “Tính đến xuân Kỷ Hợi này, tôi có 21 năm đón tết ngoài nhà giàn DK1. Tuy là sĩ quan ở nhà giàn lâu năm, đón tết ngoài biển khi xuân về tết đến, cũng rất nhớ nhà. Nhất là chiều 30 tết. Hình ảnh vợ, con, bố mẹ, quê hương cứ hiển hiện trong lòng. Nhớ nhà lắm, nhưng vì nhiệm vụ nên ai cũng nén lòng lại”, trung tá Thuận chia sẻ. “Công tác chuẩn bị đón giao thừa ở nhà giàn thế nào thưa anh? Tôi hỏi. “Chúng tôi ra được tờ báo tường “mừng xuân dâng Đảng” và chuẩn bị cây mai hái hoa dân chủ đêm giao thừa. Ba ngày tết, chúng tôi tổ chức thi đấu bóng bàn, chơi cờ tướng, bình báo và câu cá thi. Chiến sĩ nào đoạt giải sẽ nhận tiền lì xì 200.000 đồng”, anh Thuận cho biết.
Trung tá Nguyễn Kim Bằng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/14- người lính “già” quê Hải Dương, có 31 năm tuổi quân thì 27 năm công tác ở nhà giàn. Hơn một phần tư thế kỷ ấy, Bằng có thâm niên 24 năm đón xuân trên biển. “Đón tết cùng sóng biển mùa xuân, ấm tình đồng đội, nhưng nỗi nhớ đất liền luôn day dứt trong lòng. Ngày tết là lúc nhớ đất liền nhất. Mình có vợ con tận ở Vũng Tàu, tuy gọi là tỉnh nhà, nhưng nhớ lắm. Mỗi tối gọi điện về đất liền, con trai cứ hỏi “tết bố có về không”? lúc đó tự dưng thấy cổ họng nghèn nghẹn”, trung tá Bằng chia sẻ.
Lần đầu tiên đón tết ngoài nhà giàn DK1/2, chiến sĩ binh nhất Nguyễn Quốc Đạt cứ “ngẩn tò te” trước những con sóng vỗ. Sinh ra và lớn lên từ Ninh Bình, lần đầu tiên Đạt đón tết xa gia đình. Trong tâm tưởng của cậu lính tuổi 18 biển, đảo còn quá mới mẻ. Song, Đạt luôn quan niệm rằng, chính những nơi khó khăn gian khổ là nơi rèn luyện bản lĩnh người lính. “Đây là lần đầu tiên đón tết xa gia đình, em thấy nhớ nhà lắm. Nhưng nếu ai cũng đón tết ở đất liền, thì lấy ai canh giữ chủ quyền của Tổ quốc trong những ngày tết đến xuân về. Mục tiêu của em là phấn đấu phục vụ quân đội lâu dài, nên dù khó khăn gian khổ thế nào em cũng chịu được. Người lính cần đến những nơi gian khó để thử sức, rèn luyện và cống hiến”, Đạt chia sẻ.
Với những người lính nhà giàn DK1, giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất. Mâm cơm giao thừa không đầy đủ hương vị mùa xuân như ở đất liền, song cũng đủ ấm lòng lính biển xa quê.
Giờ khắc thiêng liêng, tất cả cán bộ chiến sĩ mặc quân phục mới nhất, nghiêm trang đứng trước bàn thờ Tổ quốc. Chỉ huy trưởng nhà giàn đứng giữa, các chiến sĩ đứng hàng phía sau. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy trưởng báo cáo với Bác những thành tích đã đạt được năm cũ và ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ năm mới. Và cũng trong giây phút xúc động thiêng liêng ấy, chính trị viên nhà giàn không quên ôn lại 11 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hi sinh giữa sóng cuồng bão dữ bảo vệ nhà giàn. Tất cả đều xúc động bùi ngùi trước bàn thờ Tổ quốc.
Sau nghi thức cúng giao thừa, đó là lúc “thả hết mình” cho những trò chơi hái hoa dân chủ, hát karaoke, đánh bài quì, bình báo tường. Giữa biển nước mênh mông, lời ca tiếng hát thẳm vào sóng gió. Tiếng hò reo khản đặc cả cổ của bí thư chi đoàn, tiếng ngâm thơ bùi ngùi xúc động của người lính trẻ. Sau những phút giây “thăng hoa” ấy, mỗi người trở về phòng ngủ của mình, đó là “góc tâm sự” của mỗi người lính. Người gọi điện về đất liền chúc tết, người đem ảnh vợ, con, bố mẹ ra xem, người viết nhật ký, người lục lại những kỷ vật cũ đem theo từ ngày nhập ngũ. Phút giây thiêng liêng ấy, có những người lính đã khóc vì nhớ đất liền, có người xúc động nghẹn ngào trong những câu chuyện kể bố mẹ già ở quê đang chờ đón tin con. Giọt nước mắt đó của người lính DK1không phải vì yếu mềm, mà chỉ là giây phút xúc động tất yếu,rất đỗi tự nhiên trong mỗi một con người khi đón xuân xa nhà.
Dẫu đón tết ngoài khơi xa nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng, song không vì thế mà cán bộ chiến sĩ DK1 buông rời tay súng. Để đất liền đón tết trọn vẹn yên bình, 15 nhà giàn duy trì nghiêm chế độ trực canh, canh gác, phát hiện mục tiêu và kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Trung tá Trương Văn Thủy, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10 cho biết, ngày thường nhiệm vụ trực SSCĐ duy trì thường xuyên, thì ngày tết tăng cường. Trên tinh thần “vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, 100% các mục tiêu lạ phải được phát hiện và xử lý đúng đối sách trên biển. “Xin nhắn gửi đất liền, cứ vui tết đón xuân, biển đảo thềm lục địa phía Nam đã có chúng tôi- những chiến sĩ nhà giàn DK1 canh giữ”, trung tá Thủy, chia sẻ.
Hỏi chế độ nghỉ phép tết, anh Thủy cho biết thêm, tính đến xuân Kỷ Hợi này là tròn 25 năm anh công tác ngoài nhà giàn. Một năm nghỉ 30 ngày phép về Quảng Bình thăm vợ con rồi lại vào Vũng Tàu đi biển. 25 năm đi nhà giàn, anh Thủy đón tết ngoài biển 21 lần. “Ngày trước chưa có điện thoại, thông tin gia đình duy nhất viết thư. Nay nhà giàn có điện thoại, tết đến gọi điện về quê chúc tết vợ, con là được. Chiều 30 tết là lúc nhớ đất liền nhất”, trung tá Thủy chia sẻ từ nhà giàn DK1/10.
Xuân Kỷ Hợi tràn ngập trong lòng những người lính xa nhất của biển quê hương. Nơi ấy họ đang ngày đêm gác biển trong gió gào sương lạnh để đất liền đón mùa xuân mới. Trong nỗi nhớ đất liền miên man, các canh vẫn hát khúc quân hành người lính nhà giàn: “Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ gian lao mặc gian lao, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/ giữa trùng khơi, vẫn xanh ngời, lính nhà giàn là thế đó/ mấy chậu hoa với luống cà/ vẫn vượt lên nỗi nhớ quê nhà/ có mẹ già và em thơ…