Thổi hồn vào gốm sứ

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Nghề làm gốm xuất hiện tại vùng Đông Nam bộ trên dưới 200 năm trước.

   
                                                                                                 
(TN&MT) - Nghề làm gốm xuất hiện tại vùng Đông Nam bộ trên dưới 200 năm trước. Trong vùng, bên cạnh hàng trăm cơ sở gốm sứ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với các lò nung bằng củi, than đá thì còn có một nhà sản xuất gốm sứ cao cấp với công nghệ và máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại.
   
   
Ký ức xưa
   
  Theo lời kể của những các bậc cao niên ở làng gốm Tân Vạn (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nghề làm gốm, lu xuất phát từ những thợ gốm người Hoa ở Biên Hòa. Nửa cuối thế kỷ XIX, nhiều lò gốm gia dụng ở Tân Vạn đã bắt đầu hình thành. Những lò gốm cũ của người Hoa chuyên làm đồ gia dụng với những loại sản phẩm, như: lu, hũ, chậu, ghè… bằng gốm sành. Nguyên liệu chủ yếu là đất sét đỏ pha cát, nung ở nhiệt độ cao tạo cho xương sành dày, chắc và cứng. Quá trình tạo ra sản phẩm gốm, lu còn mang tính thủ công cổ truyền, kỹ thuật chế tác chủ yếu bằng phương pháp dải cuộn và qua nhiều công đoạn. Đến đầu thế kỷ XX, nghề gốm đã phát triển khá mạnh ở vùng Biên Hòa, nhưng chủ yếu là sản phẩm gốm gia dụng, như: nồi, lu, hũ, chậu, ghè, ấm, chén, đĩa… để sử dụng, chưa mang yếu tố trang trí mỹ thuật. Các lò sản xuất gốm mỹ nghệ thịnh hành kể từ khi Trường bá nghệ Biên Hòa được thành lập (năm 1903). Quy trình sản xuất, tạo mẫu, pha chế men màu, đặc biệt là khâu cải tạo nguyên liệu gốm… được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Năm 1923, các nghệ nhân Biên Hòa đã chế tạo thành công “gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Từ đó, nhiều sản phẩm gốm đa dạng được sản xuất dùng trong sinh hoạt, trang trí, thờ cúng…
   
  Các làng nghề gốm sứ, lu, sành… ở các xã, phường: Tân Vạn, Bửu Hòa, Hóa An (TP Biên Hòa) có gần 100 xưởng gốm mỹ nghệ lớn, nhỏ. Gốm mỹ nghệ Biên Hòa chỉ trong 3/4 thế kỷ đã lan tỏa thành gốm Bình Dương, gốm TP Hồ Chí Minh, gốm Vĩnh Long và đi khắp nơi, góp phần tô điểm cho đời thêm đẹp.
   
   
  Cũng tại vùng Đông Nam bộ, gốm Bình Dương cũng nức tiếng với khách hàng gần xa. Chúng tôi đến thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, cảm nhận được sức sống của làng nghề gốm sứ truyền thống qua bàn tay thoăn thoắt của những người thợ làm gốm thủ công. Những chuyến xe đang tấp nập chở gốm sứ từ các lò phân phối đi khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Những năm gần đây, tình hình sản xuất gốm sứ ở Bình Dương đã có bước khởi sắc khi các cơ sở sản xuất gốm sứ và chính quyền địa phương cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, có khoảng 50 doanh nghiệp và cơ sở gốm sứ tại tỉnh này đã có hợp đồng khách hàng trong năm 2014. Hàng chục cơ sở sản xuất khác cũng đang làm ăn có lãi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. 
   
Thương hiệu đặc trưng
   
  Có thể nói, trong làng gốm sứ Bình Dương, nếu các Công ty Cường Phát, Minh Long 1… rất nổi tiếng trong các sản phẩm sứ tinh xảo thì Công ty Phước Dũ Long (thị xã Tân Uyên) lại được biết đến dòng sản phẩm ngoài trời, sân vườn loại lớn. Với diện tích nhà xưởng lên đến 16ha, nếu cho thuê, mỗi tháng anh Vương Siêu Tín – Giám đốc Công ty Phước Dũ Long thu về 3 tỷ đồng mà không phải làm gì; trong khi đó lợi nhuận của Công ty Phước Dũ Long hiện nay chưa đến 1 tỷ đồng/tháng. Nhưng anh vẫn đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cao công nghệ, mở rộng quy trình sản xuất, kinh doanh. Đó là vì niềm đam mê, tình yêu với gốm, với nghề cha ông để lại. Cách đây khoảng hơn 10 năm, xuất phát từ thực tế đất làm gốm ngày càng khan hiếm, anh Tín hiểu rằng đầu ra cho sản phẩm rất lớn, nhưng tài nguyên luôn hữu hạn. Các nước và vùng lãnh thổ có truyền thống về gốm sứ như Trung Quốc, Đài Loan… liên tục đổi mới công nghệ khiến cho thị trường ngày càng khó tính hơn. Từ trăn trở đó, anh quyết định đầu tư số tiền lớn cho dây chuyền xử lý đất. “Tôi âm thầm học hỏi công nghệ, tích lũy vốn liếng cả gia đình đầu tư hơn 40 tỷ đồng vào dây chuyền xử lý đất. Nói không ai tin chứ tôi dồn gần hết lợi nhuận bao nhiêu năm làm gốm để đầu tư vào máy móc, công nghệ để hiện đại hóa sản phẩm. Tôi mong gốm của Bình Dương khẳng định mình trên thị trường quốc tế”, anh Vương Siêu Tín chia sẻ.
   
   
  Trong tiết xuân đang về, doanh nhân Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương, một nghệ nhân có niềm đam mê cháy bỏng với các sản phẩm gốm sứ thổ lộ: ông là thế hệ thứ 3 trong một gia đình có truyền thống làm đồ gốm sứ mỹ nghệ. Học hỏi những kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất đồ gốm sứ từ những người đi trước cùng với việc không ngừng tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến nhất, ông đã cho ra lò những sản phẩm với chất lượng cao.
   
  Chính những nỗ lực trên đã tạo nên tên tuổi Minh Long 1 ngày nay. Đặc điểm nổi trội của dòng gốm sứ cao cấp này là ứng dụng công nghệ vẽ màu trên nhiệt độ cao 1.250ºC. Đây được coi là thành công duy nhất trên thế giới khi nhiều nhà sản xuất gốm sứ nổi tiếng trên thế giới hiện nay thường chỉ vẽ màu trên nhiệt độ 850ºC. Công nghệ này khiến cho những đường nét vẽ tay của nghệ nhân trên tác phẩm còn nguyên vẹn, sự dịch chuyển của màu sắc tạo cho sản phẩm có độ bóng, những hình ảnh chìm trong lớp men tạo ra chiều sâu của không gian 3 chiều trông rất sống động. Sản phẩm gốm sứ Minh Long 1 không chỉ mang tính mỹ thuật mà còn an toàn cho sức khoẻ người sử dụng và cho đến nay nó đã chinh phục được những du khách khó tính nhất đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…
   
  Hiện nay, khi hàng loạt các làng nghề truyền thống trong nước đang lao đao thì  nghề gốm sứ ở Bình Dương vẫn đang có bước phát triển tốt. Đây là kết quả của sự tìm tòi, sáng tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất gốm sứ tại địa phương này.
   
        
Tỉnh Bình Dương hiện là trung tâm sản xuất gốm sứ, chiếm gần 70% tổng sản lượng của cả nước, với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Toàn tỉnh hiện có hơn 120 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gốm, trong đó, 2/3 sản phẩm gốm sứ ở Bình Dương được xuất khẩu ra khoảng 20 nước trên thế giới. Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại kết hợp với phương pháp sản xuất thủ công đã tạo ra những sản phẩm gốm sứ đẹp về mẫu mã, độ bền cao và giá thành rẻ, có thể cạnh tranh với gốm sứ của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Một yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của ngành nghề gốm sứ ở Bình Dương là do địa phương này quy tụ được đông đảo thợ làm gốm giỏi.
        
    
   
                                                                               Bài & ảnh: Thục Vy
   
                                           
   
  
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổi hồn vào gốm sứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO