Thời điểm chín muồi để thực thi kinh tế tuần hoàn

Tống Minh (thực hiện)| 26/10/2021 11:18

(TN&MT) - Chia sẻ với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay là thời điểm tốt nhất về mặt nhận thức của người dân, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như quản lý của Nhà nước đã chín muồi để chúng ta có thể triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo đúng xu hướng chung của toàn cầu.

PV: “Kinh tế tuần hoàn” là thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định xây dựng kinh tế tuần hoàn là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo ông, vì sao đến lúc này, Việt Nam lại đặt ra vấn đề chuyển dịch theo mô hình kinh tế tuần hoàn một cách mạnh mẽ như vậy?

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ:

Có thể nói, từ khi tổ chức Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) được thành lập cách đây 50 năm (tháng 6/1972) tại Stockholm thì vấn đề môi trường đã là vấn đề được toàn cầu quan tâm. Cho đến Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro (năm 1992), môi trường đã chính thức trở thành là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, gồm kinh tế - xã hội - môi trường.

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

Đến giai đoạn hiện nay, khi bệnh dịch và biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở thành vấn đề cấp bách thì kinh tế tuần hoàn, hơn bao giờ hết, là chìa khóa giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển và bảo vệ, bảo tồn; giữa kinh tế và môi trường. Đó cũng là giải pháp để toàn cầu đạt được mục tiêu trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái. Và tới năm 2050, các nước hướng đến nền kinh tế không có rác thải và trung tính carbon. Nếu như không chuyển đổi theo nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta không còn giải pháp nào khác để đạt được mục tiêu toàn cầu này.

Tại Việt Nam, đã có khoảng thời gian chúng ta phải hy sinh mục tiêu về môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế trong giai đoạn phát triển thấp. Đến giai đoạn hiện nay, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã có vị thế và năng lực để vững vàng phát triển kinh tế bền vững. Chúng ta sẽ phải đồng hành cùng các nước khác để đảm bảo được cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Hơn thế nữa, tôi cho rằng, thời điểm hiện nay là thời điểm tốt nhất về mặt nhận thức của người dân, trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như quản lý của Nhà nước đã chín muồi để chúng ta có thể triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo đúng xu hướng chung của toàn cầu. Tôi tin rằng, cũng như trên thế giới, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam sẽ được xây dựng thành công, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

PV: Trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, động lực từ phía Chính phủ, đặc biệt là thể chế đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vậy trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, kinh tế tuần hoàn được quy định như thế nào, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ:

Kinh tế tuần hoàn được thể hiện trải dài trong các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ những quy định về nhãn nguy hại, nhãn sinh thái, nhãn xanh, quy định về mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, yêu cầu tái chế, tái sử dụng và thu gom chất thải, các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường… Trong đó, Điều 142 đã quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó quá trình sản xuất - tiêu dùng - và cung cấp dịch vụ đảm bảo được 4 mục tiêu: Tiết giảm được việc sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; giảm phát thải ra môi trường và không gây tác động xấu tới môi trường.

Cần phải chú ý đến ý niệm về kinh tế tuần hoàn khi xây dựng mô hình này. Đi đến đâu người ta cũng nói đến kinh tế tuần hoàn, thế nhưng, nếu kinh tế tuần hoàn không được hiểu một cách đúng mức thì ngờ rằng những hoạt động mà chúng ta đang làm là kinh tế tuần hoàn, nhưng thực tế lại không đạt được các tiêu chí kinh tế tuần hoàn.

Để triển khai các quy định này của Luật, trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, chúng tôi cũng thể chế hóa cụ thể. Thứ nhất, sẽ thông qua Kế hoạch quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn cho tất cả các ngành như: công nghiệp, vận tải, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và các hoạt động liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp. Đây là những trụ cột chính mà các nước trên thế giới đang triển khai để các ngành thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.

Yêu cầu thứ hai, lồng ghép mô hình kinh tế tuần hoàn vào trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các tỉnh, địa phương và các ngành kinh tế theo quy định của Luật Quy hoạch. Thứ ba, yêu cầu doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị sản phẩm và quá trình sản xuất của họ.

PV: Theo ông, những quy định như vậy sẽ tác động ra sao đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp?

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ:

Chúng ta có thể khẳng định rằng, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu toàn cầu và chính vì vậy Việt Nam cũng không thể đứng sang một bên. Lợi ích của kinh tế tuần hoàn đã rất rõ. Thông qua việc sử dụng chất thải của ngành này là đầu vào của ngành khác, chúng ta sẽ tiết giảm được việc sử dụng nguyên, nhiên vật liệu; kéo dài được vòng đời của nguyên, nhiên vật liệu trong nền kinh tế, giảm phát thải ra môi trường.

Lợi ích mà doanh nghiệp có thể đạt được khi thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn, trước hết là họ có thể nâng cao được lượng khách hàng khi họ thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng và xã hội. Thời gian tới, tôi tin tưởng rằng, khách hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí xanh. Đây là lợi ích rất lớn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, marketing của doanh nghiệp.

Lợi ích thứ hai của kinh tế tuần hoàn là giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Ví dụ như ứng dụng công nghệ năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, thay đổi việc sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình xây dựng và sản xuất để giảm việc sử dụng năng lượng, giảm phát thải ra môi trường. Việc chuyển đổi này đầu tư ban đầu tương đối lớn do phải thay đổi công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất, nhưng trong tương lai dài sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí rất lớn.

Việt Nam sẽ đồng hành cùng các nước khác để đảm bảo được cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh: Nghi Lộc


Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn cũng có nhược điểm, đó là có thể làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian trước mắt và có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong điều kiện bệnh dịch như hiện nay. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ TN&MT đã hết sức lắng nghe và cũng để cho các hiệp hội, doanh nghiệp sau này sẽ là người quyết định tỷ lệ tái chế, tỷ lệ thu gom chất thải theo lộ trình và được sự đồng thuận của doanh nghiệp để triển khai thành công kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.Lợi thế thứ ba là kinh tế tuần hoàn giống như chuỗi giá trị và một chuỗi sản xuất, vì vậy, doanh nghiệp nếu chú ý tập trung khai thác vào chuỗi phát triển của kinh tế tuần hoàn, sẽ mở rộng được hệ sinh thái của sản phẩm do họ sản xuất.

PV: Vậy để thực thi kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nên bắt đầu từ đâu? Chúng ta sẽ phải bước đi thế nào để không chậm trễ trên con đường phát triển kinh tế tuần hoàn?

PGS, TS Nguyễn Đình Thọ:

Có thể nói, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua chính là bản lề để Việt Nam thực hiện kinh tế tuần hoàn. Yêu cầu thứ hai để kinh tế tuần hoàn có thể được tổ chức thành công là việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn. Thứ ba là chúng ta phải cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định về tiêu chuẩn định mức kỹ thuật để thực hiện được kinh tế tuần hoàn; giám sát kiểm tra việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, khó khăn ở đây vẫn là vấn đề kinh phí và công nghệ. Các nước trên thế giới đã khẳng định đổi mới công nghệ chiếm tới 90% kết quả, hiệu quả của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, Việt Nam sẽ phải học hỏi, tiếp thu khoa học công nghệ, chuyển đổi sản xuất. Để định hình nền kinh tế tuần hoàn, rất cần sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ của Chính phủ và sự đồng thuận của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời điểm chín muồi để thực thi kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO