Thiếu quy hoạch hồ chứa thủy điện: Hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên

14/08/2014 00:00

(TN&MT) - Thiếu quy hoạch thống nhất, xem nhẹ các yếu tố môi trường sinh thái của các hồ chứa thủy điện đang hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu...

(TN&MT) - Các chuyên gia môi trường đánh giá, việc phát triển “nóng”, thiếu quy hoạch thống nhất, xem nhẹ các yếu tố môi trường sinh thái của các hồ chứa thủy điện đang hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác.
   
Năng lực hồ chứa có như mong đợi?
   
Được một mất mười
   
  Hiện, cả nước có khoảng hơn 2.100 hồ chứa có dung tích mỗi hồ từ 0,5 triệu m3 trở lên với tổng dung tích trữ nước gần 41 tỷ m3. Tổng tiềm năng thủy điện của Việt Nam đạt khoảng 87 tỷ kWh, trong đó thủy điện nhỏ chiếm khoảng 12 – 14 tỷ kWh. Thủy điện có tỷ trọng lớn trong hệ thống điện của Việt Nam và hiện dao động từ 30 – 40%. (năm 2009 là 35%, năm 2011 là 37% và sẽ được duy trì cho tới năm 2015, sau đó giảm xuống còn khoảng 25% vào năm 2025). Ngoài hiệu quả cấp điện, thủy điện còn phòng chống lũ cho hạ du, cung cấp nước và tham gia cắt lũ trên sông Hồng để bảo vệ cho vùng đồng bằng Bắc Bộ…
   
  Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm là công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý, vận hành các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi vẫn còn nhiều bất cập. Theo các chuyên gia môi trường, hầu hết quy hoạch hồ chứa mới chỉ có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chưa đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) như quy định của pháp luật. Việc đánh giá ĐTM của đa số các dự án thủy điện, thủy lợi chưa đánh giá hết được tác động môi trường mà dự án gây ra, chưa quan tâm đánh giá đầy đủ, đúng mức ảnh hưởng tới các tài nguyên, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.
   
  Mặt khác, các chủ đầu tư, chủ công trình thực hiện không nghiêm chỉnh các cam kết về bảo vệ môi trường; nhiều cam kết trong đánh giá ĐTM không được chủ đầu tư thực hiện một cách triệt để như: Không thu dọn lòng hồ theo quy định, không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu; vận hành không theo quy trình, chỉ vì lợi ích của tổ chức, cá nhân nên gây gia tăng lũ ở hạ du, suy kiệt nguồn nước ở hạ du... Việc giám sát thực hiện các cam kết trong ĐTM hoặc ĐMC thiếu thường xuyên và không chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.
   
Mất đất, mất rừng
   
  Quy hoạch phát triển thủy điện đang "chặt nát" các dòng sông tự nhiên thành từng khúc nhỏ với những điều kiện dòng chảy, nguồn nước rất khác biệt so với tự nhiên theo hướng ngày càng xấu.
   
  Việc xây dựng công trình đều ở vùng núi cao đầu nguồn nên thường làm mất đất là kèm theo mất rừng ngay trong lòng hồ, đồng thời còn mất đất - rừng cho xây dựng các hạng mục công trình khác, như xây dựng nhà điều hành, các công trình đập, tràn, nhà máy, nhất là đường giao thông lên công trình vào nhà máy, đường tải điện... đều kéo theo mất rừng đầu nguồn, mất đất, di dân tái định cư và phát sinh nhiều vấn đề... Theo dự báo năm 2015 là 536.598 ha; 2020 là 651.996 ha.
   
  Các chuyên gia nhận định, trong điều kiện ở miền Trung, nhất là ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ - nơi vùng núi cao áp sát thường cách dưới 30 - 50 km, các đồng bằng nhỏ hẹp đông dân cư, tập trung các thị xã, thành phố nên sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục xây dựng những hồ chứa trên núi cao 500 - 800 mét, như đã và đang xây dựng các hồ chứa Hương Sơn, Vũ Quang, Hố Hô và nhiều hồ chứa ở Thừa Thiên - Huế... Khi xảy ra sự cố vận hành hoặc sự cố vỡ đập sẽ dẫn đến thảm họa cho hạ du.
   
Loại bỏ mối lo từ “bom nước”
   
  Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030, tỷ trọng thủy điện trong tổng công suất nguồn phát vẫn rất lớn, chiếm đến 23,1%. Vì thế, việc rà soát lại các dự án thủy điện, loại bỏ những dự án không khả thi, có tác hại lớn đến môi trường là điều cấp thiết hiện nay.
   
  Năm 2013, Bộ Công Thương đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Qua rà soát cho thấy, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện còn nhiều hạn chế. Chất lượng quy hoạch và quyết định đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhất là các công trình vừa và nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên nước và hiệu quả tổng hợp kinh tế - xã hội.
   
  Hiện nay, cả nước có 284 công trình thủy điện đang vận hành phát điện; 204 dự án đang thi công xây dựng và dự kiến vận hành vào năm 2017; 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 78 dự án chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký, chủ yếu có quy mô nhỏ đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế. Đến nay, sau khi rà soát, Bộ Công Thương và các địa phương đã tiếp tục loại khỏi quy hoạch 12 dự án thủy điện nhỏ.
   
  Bên cạnh rà soát quy hoạch và loại bỏ những dự án thủy điện không hiệu quả, Bộ Công Thương cũng kiểm tra năng lực 48/65 đơn vị tư vấn về thủy điện ở các tỉnh phía Bắc, qua đó yêu cầu loại bỏ hoạt động tư vấn của 3 đơn vị, 1 đơn vị tự xin ngừng hoạt động. Sắp tới, Bộ Công Thương cũng sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của 11 đơn vị khác và tiếp tục kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn điện lực ở miền Trung và các tỉnh phía Nam.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy hoạch hồ chứa thủy điện: Hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO