Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Xã lập chòi canh "cát tặc" để giữ đất cho dân

19/09/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm qua, mặc dù hạn chế về kinh phí, thế nhưng chính quyền xã Thiệu Đô vẫn dốc toàn lực ngăn nạn cát tặc lộng hành. Xã cắt cử cán bộ, lập chòi canh, sắm tàu thuyền, túc trực 24/24 với mong muốn bảo vệ từng tấc đất canh tác cho dân.

Đất canh tác, hoa màu cuốn theo “hà bá”

Cát tặc là vấn nạn nhức nhối của nhiều xã dọc sông Chu trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Nhiều năm qua vì muốn bảo vệ diện tích đất canh tác, nhiều xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa phải tiết kiệm ngân sách, dốc toàn lực để ngăn chặn cát tặc. Điển hình như chính quyền xã Thiệu Đô, mặc dù không được hỗ trợ từ cấp trên, nhưng cũng không thể nhắm mắt để cát tặc cướp đi từng tấc đất canh tác, xã đã tự bỏ ngân sách, sắm tàu thuyền, lập hai chòi canh, cắt cử cán bộ  túc trực cả ngày lẫn đêm để xua đuổi cát tặc.

Diện tích đất canh tác, hoa màu bị sạt lở nghiêm trọng do cát tặc hoành hành.
Diện tích đất canh tác, hoa màu bị sạt lở nghiêm trọng do cát tặc hoành hành.

Theo chân cán bộ địa chính là anh Phùng Văn Kết xuống khu vực bãi bồi có chòi canh cát tặc của xã Thiệu Đô nằm sát sông Chu, gọi là chòi canh, nhưng cũng chỉ dựng tạm từ vài cây luồng rồi căng bạt nilông che mưa che nắng, chiếc giường kê tạm cho 7 người nằm ngủ. Được biết dù mưa hay nắng, kể cả trong cơn bão số 10 vừa qua, chòi canh lúc nào cũng phải có hai ba người vì chỉ cần sơ hở một chút, thuyền bè sẽ xông vào hút cát ngay lập tức. Những ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa gió ngủ trong chòi nhưng cũng không khác gì ngoài trời.

Cách đó chỉ chừng vài chục mét, men theo từng luống trồng dâu tằm là khu vực bãi bồi đã bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích trồng dâu bị ăn sâu vào trong, từng tấc đất canh tác cứ dần bị hà bá cuốn trôi. Nhiều gia đình đã mang gạch đá ra đổ với mục đích ngăn chặn sạt lở, nhưng cũng không ăn thua, tàu thuyền cắm vòi rồng hút phía ngoài, theo quy luật đất sẽ sạt lở theo.

Để bảo vệ từng tấc đất, hai chòi canh đơn sơ được lập lên cùng hàng chục con người không quản nắng mưa, ngày đêm.
Để bảo vệ từng tấc đất, hai chòi canh đơn sơ được lập lên cùng hàng chục con người không quản nắng mưa, ngày đêm.

Ông Lê Thiêm Khanh (hộ gia đình có đất canh tác ở bãi bồi) bức xúc nói: Thấy tàu thuyền hút cát ngay sát bờ, chúng tôi dùng đá ném xuống tàu với mục đích xua đuổi, nhưng ngay ngày hôm sau có một số đối tượng xăm trổ đầy mình tới tận nhà uy hiếp. Chúng còn dọa nếu báo chính quyền chúng sẽ cắt gân chân, nên dù thấy hoa màu bị cuốn xuống sông, dân đen chúng tôi cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”

Chính quyền dốc toàn lực ngăn chặn cát tặc.

Mặc dù không được hỗ trợ từ cấp trên, thế nhưng chính quyền xã Thiệu Đô vẫn dốc toàn lực người và của để ngăn chặn cát tặc, bảo vệ diện tích đất canh tác cũng như hoa màu.

Chia sẻ với PV Báo TN&MT ông Nguyễn Thế Ký, Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô nói: Trên giấy tờ là mỏ cát của công ty Sơn Đào. Năm 2013, Công ty được cấp phép khai thác, thế nhưng chỉ hút 3 tháng đã hết trữ lượng rồi tạm dừng, đến tháng 8/2015 huyện có thông báo cho hoạt động trở lại. Thống kê của xã từ năm 2013 tới 2016 diện tích sạt lở là 26.000 m2, đây là đất ngân sách của xã cho các hộ dân thầu để trồng dâu, ngô. Năm 2016 xã kiến  nghị lên huyện yêu cầu công ty đền bù diện tích đất đai, hoa màu bị sạt lở. Nhưng với lý do không bắt được tàu thuyền hút, nên công ty chỉ hỗ trợ 200 triệu.

Chính quyền xã Thiệu Đô đã rất nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng nhưng không có kết quả.
Chính quyền xã Thiệu Đô đã rất nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng nhưng không có kết quả.

Xã cũng đã đề nghị lên huyện rất nhiều lần để hỗ trợ phương tiện, lực lượng đẩy lùi cát tặc nhưng vẫn không thấy khả thi. Nhiều hôm xã điện lên huyện xin hỗ trợ, nhưng hai hoặc ba tiếng sau mới thấy cán bộ xuống, lúc đó tàu đã nhổ neo chạy xa cả chục km rồi. Chúng tôi đề nghị ngành chức năng đánh giá lại trữ lượng, xác định lại mốc giới, và tới tháng 3/2018 hết hạn giấy phép khai thác sẽ đóng cửa mỏ. Hiện tại khu vực hút không có phao chỉ giới nên rất khó để xác định ranh giới. Trong tháng 8/2017 xã đã bắt và xử phạt 8 tàu thuyền hút cát trái phép, nhưng chỉ xử phạt cao nhất mức 5 triệu nên không đủ sức săn đe. Khi bị bắt, chủ yếu là quản lý bãi, hoặc dân thuyền bè nhận làm chủ phương tiện, chứ không bao giờ công ty đứng ra nhận – ông Ký thông tin thêm

Ông Hoàng Văn Dũng -  một thành viên tổ tuần tra bảo vệ cho biết: Cũng vì muốn giữ lại đất canh tác, nên mười mấy người chúng tôi mới ở đây canh gác, chứ hỗ trợ mấy trăm cũng chẳng ăn thua gì. Chỉ cần sơ hở một chút, thấy chòi không có người là chúng tấp thuyền vào hút ngay. Việc xua đuổi bắt các tàu hút cát rất nguy hiểm vì toàn những thành phần có máu mặt, xăm trổ đầy mình nên chúng tôi cũng phải là những người có kinh nghiệm.

Chúng có một tàu vệ tinh nằm giữa hai chòi canh, ở giữa sông thấy vắng bóng người gác, hay nghỉ ăn cơm một chút thôi là chúng sẽ vào hút. Nằm ở nơi sông nước rất nhiều nguy hiểm, mưa gió, rắn rết nhiều, nhất là về đêm nếu không có kinh nghiệm rất dễ bị ngã rồi đuối nước – Chú Dũng chia sẻ thêm.

Được biết, UBND xã Thiệu Đô đã rất nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng hỗ trợ lực lượng, phương tiện, đồng thời xác định lại mốc giới đánh giá trữ lượng những vẫn không có hồi âm. Cũng chỉ vì giữ mảnh đất canh tác, cả lãnh đạo xã cùng hàng chục con người vẫn không quản nắng mưa, ngày đêm, hao tâm tổn sức, nguy hiểm tính mạng lăn xả để ngăn chặn, đẩy lùi nạn cát tặc hoành hành!

                                                                   Bài và ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệu Hóa (Thanh Hóa): Xã lập chòi canh "cát tặc" để giữ đất cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO