(TN&MT) – Không chỉ đất đai hoa màu bị sạt lở, mà gần đây nhất ba ngôi mộ của người dân cũng đã bị hà bá cuốn trôi. Vấn nạn cát tặc vẫn không được giải quyết triệt để, khiến người dân xã Thiệu Đô bức xúc yêu cầu chính quyền tổ chức đối thoại tìm giải pháp giải quyết triệt để nạn cát tặc.
Đất canh tác, hoa màu và cả mồ mả tổ tiên cuốn theo “hà bá”
Cát tặc là vấn nạn nhức nhối của nhiều xã dọc sông Chu trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Nhiều năm qua vì muốn bảo vệ diện tích đất canh tác, nhiều xã trên địa bàn huyện Thiệu Hóa phải tiết kiệm ngân sách, dốc toàn lực để ngăn chặn cát tặc. Thế nhưng tất cả cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Nhiều năm qua, xã Thiệu Đô luôn là điểm nóng của vấn nạn cát tặc. Hàng chục hecta đất đai, hoa màu của người dân đã bị cuốn theo dòng nước. Trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, cát tặc vẫn là vấn đề nóng là nỗi bức xúc của toàn thể người dân trong xã.
Theo chân cán bộ địa chính xã Thiệu Đô, là anh Phùng Văn Kết xuống khu vực bãi bồi, men theo từng luống trồng dâu tằm là khu vực bãi bồi đã bị sạt lở nghiêm trọng, diện tích trồng dâu bị ăn sâu vào trong, từng tấc đất canh tác cứ dần bị hà bá cuốn trôi. Nhiều gia đình đã mang gạch đá ra đổ với mục đích ngăn chặn sạt lở, nhưng cũng không ăn thua, tàu thuyền cắm vòi rồng hút phía ngoài, theo quy luật đất sẽ sạt lở theo.
Cán bộ xã đã tiến hành đo đạc diện tích đất bị sạt lở của người dân. Thấy phóng viên tới, người dân kéo nhau tới phản ánh nỗi bức xúc vì cát tặc hoành hành. Theo phản ánh của người dân, ba ngôi mộ đã trôi xuống sông mấy ngày nay, một ngôi mộ chỉ cách mép nước hơn 1 mét. Theo quan sát của PV diện tích sạt lở đã ăn sâu vào cả chục mét so với thời điểm trước tết nguyên đán 2018, có những điểm sạt sâu theo kiểu hàm ếch, rất nguy hiểm.
Bà Hoàng Thị Bình, thôn 7 bức xúc chỉ tay vào điểm sạt lở sâu hoắm theo kiểu hàm ếch nói: Mới mười ngày nay, mà đất đai sạt lở kinh khủng như thế, đây là đất sản xuất cơ bản của người dân chúng tôi. Cát tặc cứ thế hoành hành, trong khi đó tổ công tác của xã thì hoạt động không hiệu quả. Ba ngôi mộ đã bị sạt lở xuống dòng sông, còn một cái cũng chỉ cách mấy mét nữa là cũng bị hà bá cuốn trôi. Không thể tiếp tục tình trạng như thế này nữa. Hôm nay tổ chức đối thoại trên nhà văn hóa thôn, nếu huyện và xã không giải quyết được nạn hút cát trộm chúng tôi sẽ kiện xuống tỉnh.
Bà Hoàng Thị Ninh cũng bức xúc nói: Thấy tàu thuyền hút cát ngay sát bờ, chúng tôi dùng đá ném xuống tàu với mục đích xua đuổi, nhưng ngay ngày hôm sau có một số đối tượng xăm trổ đầy mình tới tận nhà uy hiếp. Chúng còn dọa nếu báo chính quyền chúng sẽ cắt gân chân, nên dù thấy hoa màu bị cuốn xuống sông, dân đen chúng tôi cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Mới tối hôm qua thôi, 4 tàu hút cát ầm ầm, khi người dân chúng tôi kéo nhau ra bờ sông thì thấy ông phó chủ tịch xã cùng công an viên đang trên thuyền. Quá bức xúc, người dân dùng đá và chai xăng ném xuống bong thuyền, thấy thế cát tặc vội vàng nhổ neo cho tàu chạy ra xa.
Dân bức xúc, yêu cầu đối thoại tìm giải pháp giải quyết nạn cát tặc
Mới gần đây nhất cát tặc tiếp tục lộng hành, đất đai, hoa màu bị sạt lở ăn sâu vào bên trong tạo thành một hàm ếch sâu hoắm, kéo theo đó mồ mả của người dân cũng bị hà bá cuốn trôi. Quá bức xúc, sáng ngày 09/04 hàng trăm người dân đã kéo nhau lên UBND xã Thiệu Đô yêu cầu chính quyền có biện pháp ngăn chặn triệt để nạn cát tặc để bảo vệ tài sản, hoa màu cũng như mồ mả tổ tiên của người dân.
Trong buổi chiều ngày 09/04, đại diện UBND huyện Thiệu Hóa, chính quyền xã Thiệu Đô đã tổ chức đối thoại với người dân tại nhà văn hóa thôn 7.
Hàng trăm người dân có mặt tại buổi đối thoại bức xúc khi lực lượng công an huyện không để phóng viên vào phía trong hội trường, ghi nhận hình ảnh, ý kiến nguyện vọng của người dân, cũng như giải pháp từ phía chính quyền.
Trong buổi đối thoại, hàng trăm người dân kéo nhau lên nhà văn hóa thôn, chật kín cả hội trường, sân và cổng nhà văn hóa. Khi lãnh đạo huyện và xã chỉ đưa ra những giải pháp chung chung, không mang tính khả thi, hàng trăm người dân bức xúc phản đối. Yêu cầu nếu lãnh đạo huyện, xã không xử lý được nạn cát tặc hoành hành thì nên từ chức, chứ không chỉ hứa chung chung, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau rồi cứ thế cát tặc tiếp tục xâm lấn đất đai, hoa màu của người dân.
Được biết ngày 29/03/2013 UBND tỉnh Thanh hóa ban hành quyết định số 26/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với công ty TNHH Sơn Đào tại mỏ cát số 03, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa. Thời hạn khai thác là 5 năm kể từ ngày ký quyết định. Như vậy, đồng nghĩa với việc từ ngày 29/03/2018 trên địa bàn xã Thiệu Đô không có mỏ cát nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản. Thế nhưng cát tặc vẫn cố tình, liều lĩnh đem thuyền vào bãi bồi của xã Thiệu Đô để hút cát vào đêm ngày 08/04 bất chấp sự phản ứng quyết liệt, dữ dội từ phía người dân.