Trong bối cảnh môi trường sống xuất hiện khá nhiều điểm nóng ô nhiễm thì việc tiếp nhận thông tin từ thực tế và phản hồi, giải quyết nhanh chóng các điểm nóng là yêu cầu cần thiết. Việc trao đổi thông tin hai nhiều qua nhiều kênh thông tin sẽ hỗ trợ cho nhà quản lý thực hiện công việc của mình, đồng thời cộng đồng cũng có thêm địa chỉ để phản ánh một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp với cơ quan quản lý qua truyền thông đa phương tiện” được thực hiện từ năm 2017 nhắm vào 5 mục tiêu cụ thể.
Đó là: Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều về lĩnh vực môi trường; Xây dựng hệ thống trao đổi thông tin qua các phương tiện truyền thông phổ biến; Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin hai chiều; Thử nghiệm cung cấp, thu nhận thông tin và đánh giá kết quả; Tăng cường khả năng, cách thức, công bố và cung cấp thông tin tới cộng đồng.
Dự án sẽ cho ra các sản phẩm: một website kết nối trực tuyến để tiếp nhận, phản hồi và cung cấp thông tin; các chương trình truyền thông trên các phương tiện truyền thông phổ biến; Các sản phẩm được đưa ra từ việc xử lý, tổng hợp, phân tích các thông tin thu nhập được như các thông điệp truyền thông, các cảnh báo; Các cơ chế, chính sách liên quan đến thiết lập hệ thống thông tin hai chiều…
Ông Nguyễn Anh Dũng (Trung tâm Thông tin và Tư liệu môi trường) cho biết, bước đầu, Trung tâm xây dựng một website để tiếp nhận thông tin, đưa ra quy trình xử lý và trả lời, công bố thông tin. Lâu dài, việc truyền thông sẽ mở rộng đến việc thu nhận thông tin về môi trường từ mạng xã hội, báo chí và tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng đa phương tiện.
Hiện Trung tâm đã xây dựng bản demo một website để người dân có thể cung cấp thông tin về ô nhiễm môi trường, các mô hình, tấm gương bảo vệ môi trường, các thông tin về khoa học công nghệ… Hệ thống này không tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn giải đáp pháp luật.
Điểm nổi bật của hệ thống là tích hợp hệ thống bản đồ với nhiều lớp thông tin, như khu công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất. Người dân có thể nhập địa điểm phản ánh hoặc tìm kiếm địa điểm cần phản ánh thông tin.
Để hệ thống được vận hành trơn tru còn cần xây dựng cơ chế, chính sách, các quy định cho hệ thống này. Đó là các quy định về thu nhận, xử lý, phản hồi thông tin môi trường tư người dân, doanh nghiệp; quy định về phối hợp giữa các đơn vị trong Tổng cục Môi trường, các đơn vị quản lý Nhà nước về môi trường trong việc thu nhận và xử lý thông tin; quy định về lưu trữ, quản lý, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống trao đổi hai chiều.
Dự kiến, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường sẽ xây dựng các dự thảo quy định về cung cấp, thu nhập thông tin; xử lý thông tin qua truyền thông đa phương tiện; quy định về chất lượng thông tin, quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp và công bố thông tin; quy định về quyền lợi các chủ thể tham gia chuỗi cung cấp, chia sẻ thông tin; cơ chế cung cấp, chia sẻ và sử dụng thông tin giữa các bên liên quan.
Ông Nguyễn Xuân Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường cho rằng, nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước qua truyền thông đa phương tiện” hoàn thành sẽ có thêm cơ sở để giúp các nhà quản lý biết và tránh được sự trùng lặp nội dung, tăng khả năng trao đổi nắm bắt thông tin, khai thác dữ liệu, có thể kế thừa và phát triển dữ liệu từ các dự án, nhiệm vụ đã thực hiện”.