Thiết kế Xanh đô thị thích ứng BĐKH

08/12/2015 00:00

(TN&MT) – Ngày 8/12, Hội thảo quốc tế "Thiết kế Xanh trong quản lý tổng hợp chu trình nước đô thị - Giải pháp đối với các thành phố cấp 2 ở các quốc gia...

 

(TN&MT) – Ngày 8/12, Hội thảo quốc tế “Thiết kế Xanh trong quản lý tổng hợp chu trình nước đô thị - Giải pháp đối với các thành phố cấp 2 ở các quốc gia đang phát triển” đã được tổ chức tại TP.Cần Thơ.

Hội thảo nằm trong  một chuỗi các hoạt động diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10/12 tại TP.Cần Thơ, do Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ phối hợp Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), Viện Giáo dục chuyên ngành tài nguyên nước UNESCO – IHE (Hà Lan) tổ chức.

Dự hội thảo có bà Hassanthi Urugodawatte Dissanayake, Đại sứ Srilanca tại Việt Nam, ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cùng đại diện các bộ ngành trung ương và địa phương.

Theo Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, hiện tượng biến đổi khí hậu với các biểu hiện nhiệt độ tăng, nước biển dâng và thời tiết cực đoan đang có những tác động tiêu cực trên toàn cầu. Các thành phố trên thế giới, trong đó có TP. Cần Thơ nằm trong vùng đồng bằng bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu đang phải tìm cách tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo
Diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo

Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ – Kỷ Quang Vinh, cho biết: Dự án “Nghiên cứu thích ứng biến đổi khí hậu ở lưu vực ĐBSCL – Hợp phần đô thị hóa” (gọi tắt là ProACC) đã được thực hiện 2 năm qua tại khu vực ĐBSCL. Dự án này đưa ra các cách tiếp cận mới, chú trọng nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật và vấn đề quản lý xã hội để đạt đến các giải pháp ứng phó bền vững. Dự án cũng chỉ rõ, bên cạnh việc chống ngập cần chú ý các dịch vụ sinh thái, không gian giải trí và các phúc lợi có liên quan khác; bên cạnh các giải pháp cứng cũng cần các giải pháp mềm như “thiết kế xanh”.

Ông Tom Kompier, đại sức quán Hà Lan tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đang phát triển đô thị hóa rất nhanh. Cách thức quản lý tiến trình đô thị hóa sẽ mang đến những hệ quả quan trọng trong tương lai. Xây dựng cơ sở hạ tầng thường tốn kém và lâu dài. Khi đô thị đã có một kết cấu và bố cục chắc chắn, sẽ rất khó khăn và tốn kém để thay đổi… Hãy xử lý các vấn đề ngập lụt theo phương pháp tiếp cận từng bước, nên tránh các giải pháp “vụ nổ lớn” đắt tiền, mà tiến hành các bước đi cụ thể, hợp lý và với chi phí phù hợp. Nếu việc xâm nhập mặn là một vấn đề đang ngày một gia tăng thì hãy ngăn chặn nhiễm mặn nếu có thể và điều chỉnh thích nghi khi cần thiết. Nếu việc sử dụng nước ngầm gây ra sụt lún hoặc không bền vững, hãy lên kế hoạch về các lựa chọn thay thế.

Một góc đô thị Nam Cần Thơ
Một góc đô thị Nam Cần Thơ

Ông Tom Kompier còn đưa ra 2 nguyên tắc phổ biến là: Hãy chắc chắn nâng cao khả năng dự trữ nước và công suất của hệ thống thoát nước để ứng phó với những cơn mưa lớn đang gia tăng. Đảm bảo kết cấu bố trí đô thị có tác dụng làm mát, mang lại không khí trong lành cho thành phố. Đừng chỉ phát triển các không gian xanh mà hãy suy tính cẩn thận về nơi để làm việc đó… trên thực tế.

Cùng với trình bày những kinh nghiệm được rút ra từ các thành phố khác nhau trên thế giới, trong khu vực và nhiều nơi khác; tóm lược những dự án quan trọng nhất từ dự án ProAcc; hội thảo cũng giới thiệu về quản lý chu trình nước đô thị; giới thiệu cơ hội tương lai về nghiên cứu hành động trong quản lý nước trong khu vực đô thị và thích ứng với BĐKH.

Phong Vân

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế Xanh đô thị thích ứng BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO