Biến đổi khí hậu

Thích ứng biến đổi khí hậu để giảm nghèo bền vững

Khánh Ly 26/04/2023 - 10:56

(TN&MT) - Những diễn biến thất thường của khí hậu làm gia tăng khó khăn trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Chính vì vậy, thích ứng với BĐKH đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng cho các địa phương khi xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập bền vững cho người nghèo, những người sinh sống ở vùng nhạy cảm với thiên tai.

Luật hóa quy định thích ứng BĐKH

Theo Bộ TN&MT, các kịch bản BĐKH đều cảnh báo tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất. Thời tiết ngày càng nóng, độ ẩm tăng cao cùng với lượng mưa ngày càng lớn và bất thường sẽ tạo ra một môi trường sống khắc nghiệt. Bên cạnh đó, thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán gia tăng và nước biển dâng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực bị ảnh hưởng. Từ đó, dẫn tới phá hủy các thành quả kinh tế - xã hội và giảm nghèo trong dài hạn. Điều này cũng đã được chỉ ra trong nhiều báo cáo nghiên cứu về tình trạng BĐKH tại Việt Nam.

Gần đây nhất, Báo cáo nghiên cứu về tác động của BĐKH và thiên tai đến bất bình đẳng đa chiều tại Việt Nam, do Viện nghiên cứu Mekong và Oxfarm thực hiện năm 2022 nhận định: Những người dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH gồm có nông dân, ngư dân, các nhóm DTTS, người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, và người nghèo ở khu vực thành thị. Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy, tác động tiêu cực của BĐKH đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng đa chiều qua ba con đường, bao gồm: gia tăng mức độ tiếp xúc của các nhóm yếu thế trong xã hội với các tác động tiêu cực của BĐKH; gia tăng tính dễ tổn thương của các nhóm yếu thế với các vấn đề gây ra bởi BĐKH; và làm giảm khả năng ứng phó và phục hồi sau thiệt hại của các nhóm này.

anh-rung-ngap-man-quang-nam.jpg
Trồng rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, giảm nghèo bền vững đang là một thách thức và khó khăn với Việt Nam khi 70% người nghèo sống phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt là ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác thích ứng BĐKH đối với Việt Nam, Bộ TN&MT đã đề xuất đưa thích ứng BĐKH vào quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nội dung này. Theo đó, thích ứng với BĐKH là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.

Bộ TN&MT sẽ chủ trì thực hiện đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị. Công tác tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH sẽ phải được thực hiện định kỳ hằng năm và tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giảm thiểu tối đa thiệt hại

Về tổng thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu thích ứng BĐKH của Việt Nam là giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của BĐKH thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH.

Để đạt mục tiêu này, nhóm nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững bao gồm: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; Xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, có giá trị gia tăng cao và bảo đảm an ninh lương thực; Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng và các hệ sinh thái; Tập trung phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tác động, mức độ dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trong quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư, khu tái định cư ven biển và hải đảo trên cơ sở phân vùng rủi ro thiên tai và kịch bản biến đổi khí hậu; Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe; Bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới.

Nhóm nhiệm vụ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH bao gồm: Dự báo và cảnh báo sớm, tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu; Phát triển các công trình phòng chống thiên tai để phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu; Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân trước tác động của biến đổi khí hậu.

suy-thoai-dat-nuoc.jpg
Giảm suy thoái tài nguyên đất, nước giúp bảo vệ sản xuất

Trước mắt, đến năm 2030, Việt Nam cần đạt được các mục tiêu cụ thể về thích ứng BĐKH:

Kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng.

anh-mh.jpeg
Việt Nam hướng tới chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản bền vững; bảo đảm an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng quốc gia.

cee598e3233bc078469434166d929839-2022-08-23.09-44-08.jpg
Tuyên truyền bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai

Bảo đảm độ che phủ rừng ít nhất 42%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền, diện tích vùng biển và ven biển được bảo tồn đạt ít nhất 5% diện tích tự nhiên vùng biển của quốc gia.

cong_trinh_thuy_loi_cai_lon_-_cai_be.png
Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở các đô thị lớn.

nuocsachhuonghoa.jpg
Công trình nước sạch ở huyện miền núi Đăkrông tỉnh Quảng Trị

Bảo đảm ít nhất 95% dân số được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh, trong đó ít nhất 80% dân số được sử dụng nước sạch đạt chuẩn; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do biến đổi khí hậu.

thientai.jpg
Hệ thống ra-đa thời tiết tại Quy Nhơn phục vụ quan trắc bão cho khu vực Nam Trung Bộ

Trình độ khoa học và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai ngang tầm các nước phát triển khu vực châu Á; năng lực giám sát biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai đạt ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực; đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ khí hậu cơ bản.

traleng03.jpg
Khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Bảo đảm 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng biến đổi khí hậu để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO