Nhiều tín hiệu khả quan
Những năm gần đây, đất nền tại một số quận, huyện ở TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Song, dịch Covid-19 bùng phát khiến phân khúc này chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia BĐS, trong thời gian tới, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, động lực quan trọng để phân khúc đất nền trở nên sôi động trở lại chính là đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Hiện nay, nhiều nguồn lực đang được tập trung để phòng, chống dịch bệnh. Một số dự án hạ tầng trọng điểm đã phải tạm ngưng hoặc thi công không đạt được tiến độ đề ra.
Dự báo thị trường đất nền sẽ có tín hiệu tốt sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát |
Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2021 vừa qua, ghi nhận lượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm từ 15 - 20% so với tháng trước đó. Mới chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM còn khiến đất nền tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc Nhà Bè được tìm kiếm mạnh thì nay lượng truy vấn đã giảm mạnh. Còn các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ghi nhận các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm từ 10 - 12%. Trong đó, Long An ghi nhận đang có hiện tượng dư thừa nguồn cung đất nền.
Cũng theo ông David Jackson, ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19, việc không ít người môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch sân bay, cầu cảng… để tạo sóng ảo, thổi giá đất lên quá cao trong đợt sốt đất vừa qua tại một số địa phương cũng khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn. Ngay cả khi mà dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn thì nhà đầu tư cũng sẽ không quá “vồ vập” và thận trọng hơn trước khi xuống tiền. “Dịch Covid-19 được khống chế sớm chừng nào thì nhiều dự án cơ sở hạ tầng sẽ được tái khởi động lại sớm chừng ấy, tiếp tục đóng vai trò là động lực chính yếu cho sự sôi động trở lại của phân khúc đất nền” - ông David Jackson phân tích thêm.
Kỳ vọng sớm hồi phục
Chuyên gia Kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nhiều người đang rao bán nhà, bán đất nhưng không mấy người đủ khả năng mua, dù biết mua thời điểm này có giá tốt. Do đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm, các yếu tố trên được khắc phục thì dòng tiền sẽ đổ vào khôi phục thị trường BĐS nhanh chóng. Thời gian qua, nói đến BĐS thì sôi động nhất là BĐS đầu tư chứ không phải BĐS phục vụ nhu cầu ở. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường BĐS đầu tư cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong thời gian tới nếu có sôi động hay không, còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: dòng tiền, dịch vụ môi giới, hỗ trợ về chính sách...
“Dự báo từ bây giờ đến cuối năm nay, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM có khả năng sẽ tăng và đất nền vẫn sẽ là phân khúc khá sôi động khi mà quỹ đất “sạch” ngày càng khan hiếm. Ngoài khu vực trung tâm TP.HCM như TP. Thủ Đức thì các huyện Hóc Môn, Nhà Bè... sẽ giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới, và cũng là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư đánh giá thị trường, cân nhắc tài chính trước khi xuống tiền”.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, hiện thị trường BĐS tiêu dùng đã chững lại, vì tiêu dùng liên quan đến sức mua, sức mua rất yếu. Vì vậy, nhà đầu tư BĐS chớ vội ra quyết định đầu tư mà nên đợi nhịp thị trường có tín hiệu hồi phục, vì chưa biết thị trường sẽ diễn biến theo hướng nào, nếu tham gia ngay cũng dễ gặp rủi ro. Còn sau dịch bệnh, nên chọn những khu vực mà BĐS có thể tạo ra dòng tiền ngay, như những nơi gần khu công nghiệp, thành phố lớn vì những nơi đó, công ăn việc làm phục hồi nhanh và tạo ra được dòng tiền mạnh hơn.
“Trước bức tranh thị trường BĐS hiện nay, việc đầu tư phụ thuộc chính vào dòng tiền, nhưng việc khởi sắc cho BĐS là một bài toán khó vì giới đầu tư không còn mạnh dạn đi vay. Thị trường BĐS đầu tư được tạo lập khác hoàn toàn với BĐS tiêu dùng. Hiện rất cần các môi giới “mạnh”, nhưng cánh môi giới BĐS gần như “thoi thóp” do giãn cách xã hội, không gặp được khách hàng, không tổ chức được hội nghị khách hàng, rất khó “chốt” hợp đồng. Sản phẩm BĐS không được xem là hàng hóa thiết yếu nên khó nhận được sự hỗ trợ về cho vay, giãn nợ” - ông Châu phân tích.