Thị trường bất động sản năm 2016-2017: Toàn cảnh và dự báo

18/12/2016 00:00

  (TN&MT) – Ngày 17/12, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo "Thị trường bất động sản năm 2016-2017- Toàn cảnh và dự báo". Hội thảo có sự tham gia của hơn...

 

(TN&MT) – Ngày 17/12, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “Thị trường bất động sản năm 2016-2017- Toàn cảnh và dự báo”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 1.000 nhân sự cấp cao, là lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; các nhà đầu tư bất động sản Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore…

Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành như: GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế, Tài chính Ngân hàng; TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng.

GS-TS Đặng Hùng Võ phân tích về thị trường BĐS Việt Nam năm 2017
GS-TS Đặng Hùng Võ phân tích về thị trường BĐS Việt Nam năm 2017

Giá bất động sản (BĐS) ở tất cả các phân khúc vẫn tiếp tục tăng, hiện tượng sốt giá chỉ diễn ra cục bộ và đặc biệt nỗi lo bong bóng BĐS sẽ không xảy ra. Đó là nhận định chung của các chuyên gia. Tiếp đà của năm 2016, thị trường BĐS Việt Nam năm 2017 được GS.TSKH. Đặng Hùng Võ dự báo sẽ tiếp tục sôi động và tăng trưởng, nhất là đối với phân khúc thị trường BĐS nghỉ dưỡng và phân khúc nhà ở hạng trung, giá rẻ dành cho người thu nhập trung bình.

Giá BĐS nhà ở vẫn ở mức tăng nhẹ, phụ thuộc chủ yếu vào vị trí của dự án, chưa tạo thành xu hướng rộng khắp trên toàn thị trường và có gia tốc theo thời gian. Điều này cho thấy thị trường BĐS chưa có khả năng rơi vào sốt giá và tích tụ bong bóng, nhất là tình trạng các khu đô thị "ma", khu chung cư hoang hóa vẫn đang tồn tại với số lượng đáng kể. Tất nhiên, khả năng nâng cung của phân khúc nhà ở giá rẻ gần như khó thực hiện được.

Đối với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, phân khúc này mới có điều kiện phát triển mạnh từ năm 2015, đang hứa hẹn nhiều trong thời gian sắp tới. Tình trạng dư cung đã được đặt ra như một cảnh báo sớm tại Đà Nẵng và Nha Trang, nhưng sự thực chưa tới mức đáng ngại. Các dự án loại này đang phát triển ở nhiều địa bàn khác có tiềm năng du lịch.

Đối với phân khúc văn phòng cho thuê, cung hiện nay vẫn bảo đảm phù hợp với cầu. Cầu có thể tăng khi sức nóng của phát triển kinh tế cao hơn, nhất là quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện mạnh hơn thông qua các hiệp định thương mại tự do kiểu mới.

Đối với phân khúc BĐS phục vụ bán lẻ, khả năng tăng cung cao hơn sẽ xảy ra khi thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang có cuộc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư nội và ngoại. Mặc dù vậy, thị trường này vẫn chỉ có tác động mạnh tại các khu đô thị lớn.

Các chuyên gia tọa đàm về thị trường BĐS Việt Nam
Các chuyên gia tọa đàm về thị trường BĐS Việt Nam

Từ ngữ cảnh nêu trên, có thể đưa ra các dự báo sau về thị trường BĐS 2017: Phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng với hình thức đầu tư phi truyền thống vẫn là phân khúc có khả năng phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Đây sẽ là phương thức mang lại hiệu suất và hiệu quả đầu tư cao và ổn định. Tiền trong dân, kiều hối sẽ được động viên khá mạnh để đầu tư vào phân khúc này. Bên cạnh khả năng phát triển cao của cung, các cá nhân tham gia đầu tư cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong lựa chọn địa điểm đầu tư, dự án đầu tư và chủ đầu tư dự án sao cho phù hợp nhất với mình.

Phân khúc nhà ở cũng vẫn là phân khúc quan trọng của thị trường BĐS, vẫn luôn có cơ hội phát triển mạnh do cầu lớn và cung luôn không đủ. Khu vực giá rẻ sẽ thiếu nguồn lực phát triển nên chỉ bảo đảm tỷ trọng cung ở mức 20% của tổng cung cho lượng cầu ở mức 80% của tổng cầu. Đây chính là bi kịch lớn trong phát triển thị trường BĐS nhà ở. Tại Hà Nội, lượng cung giá cao sẽ lớn hơn lượng cung giá trung bình, có thể lượng cung giá cao đạt tỷ trọng 50% và giá trung bình đạt 30% (tổng là 80%). Tại TPHCM, tỷ trọng có thể ngược lại, lượng cung giá cao có thể đạt 30% và lượng cung giá trung bình đạt 50%.

Phân khúc văn phòng cho thuê sẽ chưa đủ điều kiện để tăng cung mạnh hơn, cung hiện tại vẫn đủ cho cầu vào năm 2017. Phân khúc BĐS phục vụ bán lẻ có cơ hội tăng cung nhiều hơn trong quá trình sắp xếp lại thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Vốn cho phát triển thị trường BĐS vẫn là nhân tố rất quan trọng. Vốn FDI nói chung vẫn bảo đảm cao hơn mức đăng ký của năm 2016, trong đó vốn FDI cho phát triển BĐS vẫn chiếm tỷ trọng cao. Vốn tín dụng trong nước cho phát triển BĐS vẫn là nguồn lực chủ yếu, vẫn bảo đảm cung tăng hơn do cơ hội đầu tư lớn hơn. Mặc dù vậy, vốn tín dụng cho BĐS vẫn phải nằm trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt của ngân hàng Nhà nước. Vốn trong dân, kiều hối sẽ được động viên nhiều hơn cho đầu tư vào thị trường BĐS, nhất là vào phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.

Chính phủ và Quốc hội sẽ có quyết tâm cao hơn trong hoạch định chính sách, sửa đổi pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tạo sức phát triển mạnh hơn cho thị trường BĐS.

Khả năng "sốt cao" của thị trường BĐS vẫn chưa xảy ra, nhưng thị trường BĐS năm 2017 dự báo sẽ có sức nóng cao hơn so với thị trường BĐS năm 2016.

GS - TS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, việc cần làm hiện nay là bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch thông tin về thị trường BĐS như Chính phủ đã quy định. Đây là việc cần nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý và từ phía các nhà đầu tư. Đây chính là điều kiện tiên quyết để khắc phục các rủi ro trong đầu tư phát triển và thực hiện các dự báo về phát triển thị trường.

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường bất động sản năm 2016-2017: Toàn cảnh và dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO