(TN&MT) – Sau sức nóng của thị trường bất động sản TPHCM, thời gian gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu đổ dồn về các tỉnh vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, khiến giá cả bất động sản ở những nơi này đang nhích lên từng ngày.
Giá bất động sản leo thang
Từ cuối năm 2016 đến nay, giá bất động sản tại nhiều tỉnh, thành đã tăng mạnh, đặc biệt là các khu vực vùng ven TPHCM. Lúc đầu, chỉ vài người đi gom đất, sau đó lan rộng, tạo nên cơn sốt đất. Khác với những đợt sốt ở những thành phố lớn, các nhà đầu tư đất nền ở tỉnh lẻ khá thận trọng, chỉ bỏ tiền vào những khu vực có nhiều tiềm năng. Không những đất nền, mà hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng có giá bán cao ngất ngưỡng cũng được giao dịch ồ ạt. Thậm chí, có dự án giá bán gần trăm tỷ đồng/căn vẫn thu hút được người mua.
Nếu như cách đây khoảng vài năm, tuy thị trường nhà đất tại TPHCM đã có chiều hướng đi lên, thì ở các tỉnh vùng ven thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng “ngủ đông”. Thời gian gần đây, thị trường bất động sản ở những vùng này đã dần dần nóng sốt. Ghi nhận tại các huyện Đức Hòa, Bến Lức (tỉnh Long An), nhiều dự án được triển khai bài bản. Trong đó, đáng kể như Trần Anh Riversise, Phúc An City, Bella Villa, Hiển Vinh Đại Phúc… đang thi công rầm rộ.
Ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều dự án đua nhau mọc lên, nếu như trước đây phần lớn các căn hộ chỉ có giá giao dịch trên dưới 1 tỷ đồng thì hiện nay, phân khúc này được xem như hàng hiếm, nhiều dự án được rao bán “trên trời” với mức giá 4 tỷ đồng/căn, không khác gì các căn hộ cao cấp tại TPHCM. Trong khi đó, ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…, khách hàng đổ dồn tìm mua đất nền, và nhiều dự án từ bình dân đến cao cấp liên tục được chủ đầu tư xây dựng và chào bán.
Ngoài những tỉnh thành vùng ven TPHCM đang sốt, thì các tỉnh có tiềm năng du lịch cũng đang dần nóng theo. Có thể kể đến như Phú Yên, Nha Trang, Đà Nẵng…, nhiều khu vực cho thấy giá đất đã tăng lên gấp đôi. Đơn cử như đoạn đường từ sân bay Cam Ranh (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà) chạy vào trung tâm TP Nha Trang, vài chục dự án bất động sản đang được gấp rút thi công. Nếu như cách đây khoảng 6 tháng, giá căn hộ trên tuyến đường này chỉ từ khoảng 20 - 30 triệu/m2 thì này giá tăng lên khoảng 32 - 40 triệu đồng/m2.
Theo làn sóng bất động sản gia tăng, tại Phú Yên, ở nơi mà nhu cầu nhà đất giá cao trước giờ khá ảm đạm, các doanh nghiệp cũng bắt đầu nhòm ngó. Mới đây, dự án Rosa alba resort được mở bán với giá khá cao hơn 5 tỷ đồng/căn, tuy nhiên tính thanh khoản lại rất cao. Mặc dù dự án chỉ mới giới thiệu ra thị trường nhưng đã được nhiều khách hàng đón nhận. Dự án Rosa allba resort được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo TP Tuy Hòa nói riêng và ngành du lịch tỉnh Phú Yên nói chung.
Tỷ suất sinh lời cao
Theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, từ năm 2016, cơn sốt đất tại TPHCM không những đã tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà đất vùng ven thành phố này mà còn lan ra các tỉnh lân cận. Đặc biệt các vị trí giáp ranh với TPHCM, dù là địa phận tỉnh lẻ nhưng vẫn được nhà đầu tư mua bán sôi động và tăng giá khá mạnh nhờ kết nối hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh hơn. Theo đó, khi TP HCM ngày càng trở nên chật chội, quá tải, giá nhà đất bị đội lên quá cao, thì việc giãn dân từ trung tâm đô thị này ra các vùng ven và các địa phương lân cận là xu hướng tất yếu.
“Có nhiều nguyên nhân khiến bất động sản vùng ven và các tỉnh lân cận nóng lên, trong đó một phần do TPHCM không còn quỹ đất lớn, trong khi vùng ven lại quy hoạch bài bản hơn, kết nối giao thông tốt hơn, có những tập đoàn lớn đầu tư và cam kết làm hạ tầng kết nối tốt. Như Him Lam đề xuất làm khu kinh tế mở ở Long An, các Tập đoàn Tuần Châu, FLC tuyên bố đầu tư “khủng” ở Vũng Tàu…, khiến giá đất các vùng này bắt đầu leo thang” - ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Long An nhận định.
Ở một góc độ khác, ông Vinh cho rằng, bất động sản tỉnh lẻ là một xu hướng phát triển tất yếu. Vì trong khu vực nội thành các thành phố lớn đã bão hòa về các trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, bán lẻ hay ngay cả về đất… Mặt khác, giá trị đầu tư vào thị trường bất động sản tỉnh lẻ bao giờ cũng thấp hơn các trung tâm lớn.
Đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện tại giá nhà đất ở nhiều tỉnh thành có sự điều chỉnh tăng mạnh so với 1 năm trước. Đơn cử tại Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng 5 – 6 lần, Đà Nẵng tăng 25%, Nha Trang tăng 100%, Phú Quốc 35%, Đồng Nai, Long An tăng gấp đôi…
Còn ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc VietHome Group – đơn vị phát triển dự án Rosa allba resort cho rằng, yếu tố chính khiến thị trường bất động sản “sốt hầm hập” trong thời gian gần đây là do nhiều khách hàng lựa chọn bất động sản là một kênh đầu tư an toàn và tích lũy sinh lợi nhuận cao.
“Chính sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng và đô thị hoá đã tạo nên sự gia tăng giá trị cho bất động sản ở nơi đó, rồi lan tỏa trên diện rộng. Tốc độ gia tăng mạnh kiều hối (hơn 13 tỷ USD) và nền công nghiệp không khói (du lịch) khiến bất động sản du lịch và các vùng lân cận hưởng lợi. Bên cạnh đó, thói quen tâm lý của khách hàng, khi giá bất động sản tăng khiến tỷ suất lợi nhuận từ bất động sản cao hơn so với các kênh khác, từ đó người dân tiếp tục đổ xô đầu tư”, ông Đào phân tích.
Theo phân tích của các chuyên gia, với những gì đang diễn ra, dự báo xu hướng phát triển của bất động sản các tỉnh lân cận TPHCM sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi mua dự án, khách hàng cần chú ý pháp lý và năng lực chủ đầu tư, đây là hai yếu tố rủi ro hàng đầu khách hàng cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư ở các tỉnh và không nên chạy theo tâm lý đám đông.