Thi công đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước: Nhà thầu yếu kém sẽ bị thay thế

26/07/2014 00:00

(TN&MT) - Chiều ngày 25/7, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị giao ban sản xuất quý II năm 2014 Dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên...

   
(TN&MT) - Chiều ngày 25/7, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị giao ban sản xuất quý II năm 2014 Dự án đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước. Chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường; ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Hội nghị thu hút sự tham gia của gần 100 đơn vị thi công trên toàn tuyến.
   
   
  Báo cáo của Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (BQL DA ĐHCM) cho biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 50,7km đi qua. Tỉnh đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công đạt 50/50km. Tuy nhiên, vẫn còn 2 vị trí với khoảng 130m tại huyện Đăk Mil, dân cản trở không cho thi công. Tại Dự án Cây Canh - Cầu 38 (tỉnh Bình Phước), các mỏ đá trong khu vực đã hết thời hạn khai thác, hiện tại không có đá nên các nhà thầu chưa thể tập kết vật liệu.
   
  Đáng chú ý nhất là các Dự án BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có 4 dự án dài 151km, tổng mức đầu tư là 4.449 tỷ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng là 229 tỷ đồng. Tại tỉnh Gia Lai, nhà đầu tư toàn tuyến gần 60km là Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai. Đến đầu tháng 7, giá trị thực hiện so với tiến độ tổng thể là 213,2/352,7 tỷ đồng, đạt 60% so với tiến độ tổng thể.
   
  Như vậy, tiến độ thi công tương đối chậm so với kế hoạch đề ra. BQL DA ĐHCM đã đề nghị nhà đầu tư này đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là tăng cường công tác đảm bảo chất lượng công trình. Trong thời gian qua, BQL và Bộ GTVT đã liên tục nhắc nhở bằng văn bản đơn vị này.
   
   
  Tại tỉnh Đắk Lắk, địa phương đã bàn giao mặt bằng 25,5km/25,5km cho nhà đầu tư Liên danh Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty CP Đông Hưng Gia Lai và Công ty CP thủy điện Sê San 4A. Hiện các đơn vị thi công này đang triển khai 7/10 gói thầu, giá trị thực hiện so với tiến độ tổng thể là 54,62/190,1 tỷ đồng, đạt 28,7% so với kế hoạch. Do tiến độ thi công quá chậm, ngày 18/7/2014, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành các công việc trước ngày 29/7/2014, gồm: Trình lại tiến độ thi công tổng thể; khẩn trương lựa chọn nhà thầu gửi BQL DA ĐHCM xem xét, báo cáo Bộ GTVT; khẩn trương điều chỉnh phụ lục hợp đồng dự án.
   
  Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh có DA ĐHCM phải đẩy nhanh tiến độ thi công và chất lượng phải đảm bảo. Bởi đây là con đường rất có ý nghĩa với nhân dân khu vực Tây Nguyên. Các nhà thầu, các đơn vị thi công cần có trách nhiệm cao đối với việc đảm bảo ATGT trên toàn tuyến.
   
  Cả các địa phương có dự án cũng cần có trách nhiệm với nhà thầu và không để mất ATGT trên dọc tuyến thi công. Cần phải tăng cường hệ thống báo hiệu ATGT và sửa chửa, thay thế các cộc tiêu, biển bán, dây dẫn hướng ở các đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ TNGT. BQL DA ĐHCM cần rà soát lại nhà đầu tư không đảm bảo và phải dùng biện pháp cứng rắn đối với các nhà đầu tư kém năng lực. 
   
   
  Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng đây là dự án rất quan trọng, sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân trong khu vực Tây Nguyên. Thứ trưởng nhận xét nhiều nhà thầu còn chưa chủ động trong khâu vật liệu. Nhiều nhà thầu huy động vật liệu rất yếu, nên chậm tiến độ là điều tất yếu.
   
  Công tác đảm bảo ATGT của các nhà thầu còn thể hiện nhiều bất cập, cung đường hiện rất khó đi, cách thức bảo dưỡng, bảo trì đường còn rất rời rạc, chỉ che mắt người dân. Thứ trưởng phê bình Công ty quản lý đường bộ Đắk Lắk trong việc triển khai bảo trì đường bộ trên địa bàn; đề nghị các Sở GTVT của các tỉnh Tây Nguyên cần phải chủ động giải phóng mặt bằng đúng tiến độ. Riêng với tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT sẽ buộc phải dừng dự án nếu giải phóng mặt bằng quá chậm.
   
  Thứ trưởng cũng yêu cầu các nhà thầu BOT là Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức và Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai phải đảm bảo ATGT khi thi công; đề nghị BQL DA ĐHCM thành lập tổ thường trực phòng chống lụt bão phối hợp với giám đốc các sở GTVT của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước để đảm bảo ứng cứu cho người dân trong mùa mưa đang diễn ra.
   
  Đặc biệt, Thứ trưởng cho rằng 2 dự án BOT (đoạn qua tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk) đang thi công rất chậm, cần phải tập trung lực lượng, nếu nhà thầu nào yếu kém, nhà đầu tư cần phải cắt hợp đồng tìm nhà thầu hợp lý đủ năng lực thay thế để bảo đảm tiến độ công trình.
   
  Trước đó, sáng 25/7, kiểm tra thực tế dự án đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk – Gia Lai, tại hiện trường, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo các nhà thầu phải tính toán tập kết vật liệu, tiến hành thi công cho phù hợp. Bằng mọi giá đến đầu mùa khô phải đủ năng lực, vật liệu, máy móc đẩy nhanh tiến độ đáp ứng đúng chỉ đạo của Chính phủ là cuối năm 2014 phải hoàn thành cung đường.
   
                                                                               Bài & ảnh: Thục Vy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công đường Hồ Chí Minh khu vực Tây Nguyên và Bình Phước: Nhà thầu yếu kém sẽ bị thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO