Thêm một "đại gia" thủy sản "bể nợ" vì siêu xe và bất động sản

25/05/2016 00:00

  (TN&MT) - Sau thời gian ngắn thành lập Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy hải sản Thiên Mã, ông Phan Bá Tòng (Tòng Thiên Mã) phất lên như một đại...

 
 
(TN&MT) - Sau thời gian ngắn thành lập Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy hải sản Thiên Mã, ông Phan Bá Tòng (Tòng Thiên Mã) phất lên như một đại gia trẻ ở miền Tây ngang hàng với Diệu Hiền, Lâm Ngọc Khuân… và mới đây cũng đã bị khởi tố với số nợ nần lên tới gần ngàn tỉ đồng…
 
Đêm 31/3/2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an), phối hợp với Công an TP.Cần Thơ đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can; bắt, khám xét nơi làm việc và nơi ở của ông Phan Bá Tòng (còn gọi là Tòng “Thiên Mã”), Giám đốc Công ty Thiên Mã (trụ sở ở TP.Cần Thơ) và bà Trần Thị Diễm (46 tuổi, Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã), để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
 
Ngay sau đó, UBND TP.Cần Thơ đã lập tổ công tác xác định nợ nần và giải quyết các vấn đề tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Mã.
 
Đã xác định tổng số nợ 891 tỉ đồng…
 
Chiều qua (23/5), ông Võ Thanh Hùng, Tổ trưởng tổ công tác tại Công ty Thiên Mã chính thức công bố con số nợ nần nắm được đến ngày 20/5/2016 tại Công ty Thiên Mã lên đến 891 tỉ đồng.
 
Trong đó nợ gốc tại hai tổ chức tín dụng 516 tỉ đồng, nợ các đơn vị cung cấp vật tư, dịch vụ 95 tỉ đồng, nợ tiền mua cá của 28 hộ dân trên 16 tỉ đồng, nợ thuế 11 tỉ đồng, nợ cá nhân bên ngoài 5,4 tỉ đồng, nợ lương công nhân 1,6 tỉ đồng… Nhưng tổng tài sản của Công ty này hiện chỉ còn khoảng 180 tỉ đồng (các tổ chức tín dụng thì cho rằng tài sản của doanh nghiệp này chỉ có giá trị khoảng 110 tỉ đồng) - nhỏ hơn số nợ 5 lần.
 
Nhà máy của Công ty Thiên Mã trong Khu Công nghiệp Trà Nóc 2
Nhà máy của Công ty Thiên Mã trong Khu Công nghiệp Trà Nóc 2
 
Tại thời điểm ông Tòng bị bắt giam, Công ty còn khoảng 400 công nhân đang làm việc. Hiện nay, doanh nghiệp này còn khoảng 27.000USD tiền mặt tại Ngân hàng nhưng do giấy uỷ quyền của người đại diện pháp luật cho Phó giám đốc là bà Trần Thị Kim Yến (vợ của ông Tòng) hết hạn nên không thể rút tiền để trả lương cho công nhân.
 
“Tổ công tác kiến nghị UBND TP.Cần Thơ có văn bản đề nghị Ngân hàng cho phép bà Yến, Phó giám đốc công ty được rút số tiền 27.000USD để chi trả lương cho công nhân dưới sự giám sát của Ban quản lý KCX và CN, Công đoàn các KCX và CN. Hiện nay có nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản trong KCN đã đồng ý nhận hết số công nhân đang làm việc tại Công ty Thiên Mã nếu đơn vị này đóng cửa, do đó về vấn đề giải quyết nợ lương và việc làm cho công nhân xem như tạm ổn”. Ông Hùng, nói.
 
Do đầu tư siêu xe và bất động sản…
Cũng như nhiều trường hợp bị khởi tố ở miền Tây gần đây, ông Phan bá Tòng đã dùng nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu khống mang đi thế chấp ngân hàng và vay hơn 430 tỉ đồng.
 
Bằng số tiền vay này, ông Tòng đã đầu tư mua sắm trang thiết bị xây dựng 3 nhà máy chế biến thủy hải sản công nghệ tiên tiến. Trong đó, đầu tư 200 tỉ đồng để mua 100ha đất xây dựng 12 trang trại thủy sản; biệt thự; và mua luôn 2 chiếc siêu xe (1 chiếc Hummer H2, nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, biển số 95H – 3333; và 1 chiếc Camry, biển số 95H-9999). 
 
- “Đại gia” Tòng Thiên Mã bên siêu xe Hummer H2 nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ (Ảnh: CATPHCM).
 “Đại gia” Tòng Thiên Mã bên siêu xe Hummer H2 nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ (Ảnh: CATPHCM)
 
Chỉ sau 5 năm đầu thành lập (2005 – 2010), “Tòng Thiên Mã” đã vượt lên trong giới doanh nhân miền Tây, được đánh giá là “đại gia” trẻ (sinh năm 1974), năng nổ, đầy tiềm năng phát triển với qui trình từ nuôi thủy sản nguyên liệu (tổng sản lượng đạt tới 40.000 tấn cá da trơn/năm) phục vụ chế biến (công suất đạt tới 400 tấn thành phẩm cá tra/ngày), số công nhân làm việc lên tới 3.500 người... Hàng năm công ty đều báo lãi, riêng năm 2009, chỉ 2 nhà máy đã đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD.
 
Thế nhưng, cùng chung “vết xe đổ” của các “đại gia” Diệu Hiền, Lâm Ngọc Khuân, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự tác động xấu từ thị trường và việc sử dụng vốn vay đầu tư không hợp lý, Tòng Thiên Mã đã lâm vào tình cảnh “bể nợ” từ năm 2011. Bắt đầu từ việc mua cá của nông dân, không khả năng thanh toán lên tới trên 52 tỉ đồng; phải cắt 40ha đất trang trại nuôi thủy sản giao cho Công ty thủy sản Ngư Long, để cấn trừ số nợ 45 tỉ đồng tiền mua thức ăn thủy sản không khả năng thanh toán... và các khoản không khả năng thanh toán ngày càng gia tăng kéo dài cho đến khi ông Phan Bá Tòng bị bắt. 
 
- Ông Vĩ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các KCX&CN Cần Thơ chủ trì họp báo công bố số nợ nần của Công ty Thiên Mã, chiều ngày 23/5/2016
Ông Vĩ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các KCX&CN Cần Thơ chủ trì họp báo công bố số nợ nần của Công ty Thiên Mã, chiều ngày 23/5/2016
 
Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các KCX & CN Cần Thơ, sai lầm lớn nhất của Tòng Thiên Mã là lấy vốn vay đầu tư vào bất động sản trong khi thị trường nhà đất đóng băng. 
 
“Bây giờ các chủ nợ lớn cần ngồi lại với nhau để tái cơ cấu và cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy trước mắt có thể là cho thuê nhà máy để giải quyết việc làm cho lao động và phát sinh doanh thu để bù đắp phần nào các khoản nợ” – ông Hùng, nói.
 
Bài & ảnh: H.Long – H.Văn
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một "đại gia" thủy sản "bể nợ" vì siêu xe và bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO