Theo ông Thoại, địa điểm sạt lở thứ nhất nằm ở khu vực thôn 6 của xã khiến 11 người bị vùi lấp. “Sự việc xảy ra vào chiều tối ngày 28/10. Sau khi sự việc xảy ra, người dân địa phương đã cứu nạn và tìm thấy thi thể 3 nạn nhân, trong đó có hai người lớn và một trẻ em. Do địa bàn rừng núi hiểm trở, cây cối ngã đổ nhiểu nên hiện chúng tôi mới đang tiếp cận hiện trường vụ sạt lở trên”.
Đào bới lượng đất sạt lở thông đường vào nơi các nạn nhân gặp nạn |
Trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng trên, trưa cùng ngày Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cùng đoàn công tác của tỉnh đã có mặt tai Phước Sơn họp bàn kế hoạch cứu nạn. Sau cuộc họp, đoàn công tác đã tiến vào hiện trường vụ sạt lở. Tuy nhiên trên tuyến đường vùng cao xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các khu vực xã Phước Kim, Phước Chánh, Phước Công nên đoàn phải đi bộ.
Cũng trong chiều ngày 28/10 và tại xã Phước Lộc, anh Hồ Văn Độ (1992, Phó Bí thư Đoàn xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn) và anh Hồ Văn Sợ (1995, cán bộ Ban Dân vận xã Phước Lộc) trong lúc đi làm nhiệm vụ kiểm tra, hỗ trợ dân sơ tán tại thôn 1 của xã thì bất ngờ bị núi lở, vùi lấp mất tích.
Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng của xã đã tích cực tìm kiếm, nhưng đến trưa nay vẫn chưa phát hiện được các nạn nhân.
Xe máy vất vả di chuyển qua đoạn sạt lở |
200 công nhân đang mắc kẹt giữa rừng Phước Sơn
Chiều 29/10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam (đang theo dõi huyện Phước Sơn) cho biết, phía huyện Phước Sơn đang triển khai các giải pháp nhằm tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khoảng 200 công nhân thi công thủy điện Đăk Mi 2 (Phước Lộc) đang bị cô lập do sạt lở. Phương án ưu tiên là cho người đưa hàng bằng đường sông. Sau đó, ngành chức năng sẽ dùng cáp treo để chuyển hàng cứu trợ cho 200 công nhân.
Ông Lê Xuân Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Năng Lượng Agrita Quảng Nam (chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 2) – người cũng đang mắc kẹt giữa rừng cho biết, trên công trường thi công thủy điện hiện có khoảng 200 công nhân đang mắc kẹt với 5 tốp khác nhau. Các tốp công nhân đang đóng chân ở những khu vực an toàn dọc sông Đăk Mi và khu vực đập thủy điện.
“Hiện mọi người vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Với khoảng 200 người, nếu ăn cháo thì có thể cầm cự đến trưa mai (30/10). Sang 31/10 thì không còn thức ăn gì nữa. Tôi đã liên hệ với các ngành chức năng để báo tình hình và đề nghị cấp lương thực, thực phẩm nhưng hiện đường vào công trường rất khó khăn do sạt lở. Hiện các tốp công nhân đang ở 5 điểm khác nhau và không thể liên lạc với nhau”, ông Tuấn nói.
Đá sạt lở xuống, san lấp nhà dân |
Ông Tuấn cũng thông tin, khoảng 100 công nhân ở trên đập. Khu vực ông đang ở với khoảng 30 người. Các điểm còn lại ở lân cận với 70 người nữa. “Từ chiều qua (28/10) khi lũ quét qua, chúng tôi bị chia cắt. Đây là đợt lũ cực lớn mà tôi từng biết”, ông Tuấn nói thêm và cầu cứu: “Đường vào xã Phước Lộc đã chia cắt nên chúng tôi mong sẽ được tiếp nhu yếu phẩm rồi thông đường dần dần. Chúng tôi cũng lo lắng và mong muốn được giải cứu các công nhân. Hiện chúng tôi đang tìm các điểm an toàn để công nhân trú ngụ chứ không sạt lở như các nơi thì chết…”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay, từ chiều nay đến ngày mai (30/10), lực lượng chức năng địa phương sẽ cố gắng đưa lương thực, thực phẩm vào khu vực biệt lập càng nhanh càng tốt.
“Trường hợp không thể tiếp cận đường bộ và đường thuỷ, chúng tôi tính phương án đưa lương thực bằng máy bay rồi thả xuống cho các điểm có công nhân”, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam nói. Ông cũng cho biết thêm sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng triển khai biện pháp này. Hiện thời tiết đang nắng nên lực lượng chức năng của huyện đang đưa hàng hóa vào.