Thế giới chưa nhận thức đầy đủ về cuộc khủng hoảng nước do biến đổi khí hậu

04/02/2015 00:00

(TN&MT) - Sự khan hiếm nước có thể dẫn đến xung đột giữa các quốc gia khi thế giới chưa nhận thức đầy đủ về cuộc khủng hoảng nước do biến đổi khí hậu.

(TN&MT) - Sự khan hiếm nước có thể dẫn đến xung đột giữa các cộng đồng và quốc gia khi thế giới vẫn chưa nhận thức đầy đủ về cuộc khủng hoảng nước do biến đổi khí hậu gây ra mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
   
  Đó là nhận định của người đứng đầu nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào ngày 3/2.
   
  Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) dự đoán, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 0,3 đến 4,8 độ C vào cuối thế kỷ XXI.
   
  Các quốc gia như Ấn Độ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự nóng lên toàn cầu, có thể dẫn đến tình trạng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp và an ninh lương thực.
   
  "Thật không may, thế giới đã không thực sự nhận thức được một thực tế mà chúng ta sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như nước là một vấn đề đáng quan tâm”, Chủ tịch IPCC Rajendra Pachauri nói với các đại biểu tại một hội nghị an ninh nguồn nước.
   
   
Những người lao động đi bộ qua vùng đất khô cằn gần một hồ khô ở vùng ngoại ô Agartala, thủ phủ bang Tripura ở Đông Bắc Ấn Độ vào ngày 23/4/2013 (Ảnh: Reuters)
   
  Ông Rajendra Pachauri cho biết thêm: "Nếu bạn chú ý đến các sản phẩm nông nghiệp, nếu bạn quam tâm đến protein động vật - nhu cầu đang gia tăng thì bạn sẽ thấy nước đóng một vai trò rất quan trọng. Đồng thời, về phía cung, sẽ có một số hạn chế, trước tiên là do sự thay đổi sâu sắc trong chu kỳ nước do biến đổi khí hậu."
   
  Trong những năm gần đây, các chuyên gia phát triển trên thế giới đang trở nên ngày càng quan ngại về vấn đề an ninh nguồn nước.
   
  Lũ lụt thường xuyên hơn và hạn hán gây ra do biến đổi khí hậu, các con sông và hồ bị ô nhiễm, đô thị hóa, nước ngầm bị khai thác quá mức và dân số ngày càng tăng là những bằng chứng cho thấy nhiều quốc gia như Ấn Độ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
   
  Ngoài ra, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia như Ấn Độ đã dẫn đến nhu cầu khai thác nước nhiều hơn tại các đập thủy điện cũng như nhà máy hạt nhân. Đặc biệt, những tháng mùa khô như tháng 6 và tháng 7 thường xuyên bị cắt điện và thiếu nước đã cho thấy cuộc khủng hoảng nước chưa có hướng giải quyết ở Ấn Độ.
   
  Các bệnh viện ở New Delhi đã phải hủy phẫu thuật tại một thời điểm trong năm 2013 vì không có nước để khử trùng dụng cụ, vệ sinh phòng mổ và để nhân viên rửa tay. Các trung tâm mua sắm hạng sang, nơi bán những thương hiệu cao cấp cũng đã buộc phải tắt máy điều hòa và đóng cửa nhà vệ sinh.
   
  Ông Pachauri cho rằng, việc tạo ra công nghệ khai thác nguồn nước hiệu quả hơn là rất cần thiết, đặc biệt là trong nông nghiệp. "Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nước có thể sẽ dẫn đến những căng thẳng, xung đột giữa các nhóm và các quốc gia ven sông," ông nói.
   
  Chính Ấn Độ cũng nhận thấy họ là trung tâm tranh chấp nguồn tài nguyên nước với các nước láng giềng phía đông và phía tây, Bangladesh và Pakistan. Đây là hai quốc gia đã cáo buộc New Delhi chiếm độc quyền về nguồn nước.
   
Mai Đan
  Theo Reuters
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới chưa nhận thức đầy đủ về cuộc khủng hoảng nước do biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO