Thay đổi tư duy khai khoáng

07/09/2017 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, hầu hết các ngành công nghiệp khai khoáng đều bế tắc đầu ra. Tăng trưởng khai khoáng liên tục đi xuống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bớt dựa vào khai thác tài nguyên, “xanh” hơn, bền vững hơn.

Tàn phá môi trường

Hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái. Đơn cử như hoạt động khai thác than, để sản xuất 1 tấn than, doanh nghiệp cần bóc đi từ 8 đến 10 m³ đất phủ và thải từ 1 đến 3 m³ nước thải mỏ. Sự phá vỡ cấu trúc của đất đá chứa quặng khi tiến hành đào bới và khoan nổ sẽ làm thay đổi tính chất vật lý và thành phần hóa học của nguồn nước, khiến nước ở các mỏ than thường có hàm lượng cao các ion kim loại nặng, á kim, các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố phóng xạ... cao hơn so với nước mặt và nước biển khu vực đối chứng và cao hơn Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) từ 1 - 3 lần.

Bên cạnh than, khai tác Titan cũng gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí và mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận, dùng nước biển lọc quặng thô nên về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt, nước giếng ô nhiễm không thể sử dụng trong sinh hoạt. Ngoài ô nhiễm do hóa chất, nhiễm mặn khai thác Titan còn gây ô nhiễm do phóng xạ.

Ngoài ra, hoạt động khai khoáng còn làm mất rừng và đa dạng sinh học. Tính đến nay, cả nước đã chuyển mục đích sử dụng 11.312 ha rừng, đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản, song việc trồng lại rừng tại các khu vực kết thúc khai thác còn rất hạn chế.

Khai thác khoáng sản gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí. Ảnh: MH
Khai thác khoáng sản gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí. Ảnh: MH

Việc sử dụng và thải bỏ các chất thải dầu khí cũng ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển. Hoạt động này làm giảm chất lượng nước biển, ảnh hưởng đến sinh vật biển từ hậu quả của tăng lượng Hydrocarbon dầu mỏ, các hóa chất, các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng. Ngoài ra, trong quá trình khai thác dầu và khí có thể tràn dầu là phun trào từ giếng, vỡ, nứt đường ống dẫn dầu khí, hỏng cấu trúc trạm xử lý, hỏng cấu trúc tàu chở dầu, hỏng cấu trúc giàn đầu giếng... Phun trào sẽ dẫn đến rò rỉ Hydrocacbon không kiểm soát được ra môi trường biển và môi trường không khí.

Vẫn khai thác để rồi… tồn kho

Tính đến tháng 6/2017, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) còntồn kho 9,3 triệu tấn than. Nhưng đây chưa phải con số cuối cùng. Trong bối cảnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất điều chỉnh lại nhu cầu sử dụng than năm 2017 từ 19,92 triệu tấn giảm xuống 17,92 triệu tấn, lượng than tồn kho than sẽ tăng so với kế hoạch. Dự tính, tồn kho than sạch cuối năm 2017 dự kiến sẽ là khoảng 13,85 triệu tấn.

Theo chuyên gia trong ngành than, để giữ ổn định việc làm cho hơn 100.000 lao động ngành than, TKV phải duy trì sản lượng than khai thác hàng năm tối đa lên đến 40 - 45 triệu tấn. Ngành than không thể cắt giảm sản lượng bởi giảm sản lượng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động. Như vậy, dù có tồn kho đi chăng nữa, TKV vẫn phải đều đặn khai thác than.

Bên cạnh đó, hiện nay, Bình Định cũng còn tồn đọng gần 600.000 tấn quặng Titan các loại. Trong đó, gần 492.000 tấn Ilmenite, 87.000 tấn quặng đuôi Titan, 5.500 tấn quặng sắt. Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, hầu hết, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản Titan đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, một số doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng hoặc chưa xuất khẩu, một số doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng... Giá xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản Titan đang xuống thấp nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, hầu hết các ngành công nghiệp khai khoáng đều bế tắc đầu ra. Trong khi ngành dầu khí đối mặt với bất ổn giảm giá, ngành than lại đối mặt với tình trạng không thể cạnh tranh về giá và chất lượng với than nhập khẩu, nhiều ngành khai thác, chế biến các loại khoáng sản khác cũng gặp tình cảnh tương tự… Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhóm ngành khai khoáng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dầu khí sẽ gặp khó khăn do mùa gió chướng, ngành than gặp khó do nhu cầu thị trường còn thấp, xuất khẩu gặp khó do giá thành cao… Đặc biệt, dự báo khai thác dầu, khí 6 tháng cuối năm, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của giá dầu.

Cần thay đổi tư duy

Cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do Nhà nước quản lý, khai thác nhưng mang về chưa đến 3,5% GDP. Công bố của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 5%. Tính chung 8 tháng năm 2017, ngành khai khoáng giảm 4,8%.

Tại Bình Thuận, ngành khai thác khoáng sản chỉ đóng góp 0,5 - 1% cho GDP Bình Thuận, trong khi ngành du lịch đóng góp gần 10%. Ông Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển) khẳng định, khai thác Titan đang cản trở lớn đến phát triển du lịch ở địa phương này, vì vậy, cần lưu ý phải cân nhắc kỹ hơn, cái nào có lợi thì thực hiện.

Theo các chuyên gia, mặc dù, công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, song trong 2 năm trở lại đây, tăng trưởng thấp, thậm chí, suy giảm mạnh do khai thác ngày càng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động giá và cung – cầu trên thị trường thế giới. Nếu khai thác thêm dầu, than… xuất khẩu khoáng sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cho các DN và đặc biệt, thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Vì vậy, sự giảm sâu của ngành công nghiệp khai khoáng cũng là động lực và là thời điểm quan trọng để các nhà quản lý quyết tâm đổi mới tư duy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bớt dựa vào khai thác tài nguyên, “xanh” hơn, bền vững hơn.

Mai Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi tư duy khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO