Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lon để bảo vệ môi trường

24/09/2014 00:00

(TN&MT) - Túi nilon là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường bậc nhất, nhưng lại đang được sử dụng rất phổ biến.

 
(TN&MT) - Túi nilon là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường bậc nhất, nhưng lại đang được sử dụng rất phổ biến. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc ban hành nhiều chính sách kiểm soát sử dụng loại túi này, do đó việc từng bước từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon là điều cần được quan tâm.
   
Bãi rác ven đường tràn ngập túi nilon
   
Tràn ngập túi nilon
   
  Không thể phủ nhận sự tiện ích mà túi nilon mang lại trong sinh hoạt hàng ngày. Người tiêu dùng đi chợ mua một vài món hàng nhỏ hay nhiều món chỉ cần lấy túi nilon đựng về. Dần dần sử dụng túi nilon trở thành một thói quen khó bỏ. Sau đó, những chiếc túi nilon cùng với rác bị vứt bừa bãi ra tự nhiên. Thói quen xấu này đã gây nhiều tác hại đến môi trường sống, sức khỏe của con người. 
   
  Theo các nhà khoa học, túi nylon được làm từ những chất khó phân huỷ, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Với tốc độ sử dụng kinh hoàng như hiện nay, con người đang phải trả giá cho việc môi trường bị ô nhiễm từng ngày, từng giờ…
   
  Túi nilon được sử dụng khắp mọi nơi từ của hàng bán rau, dưa cà muối đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Nếu như trước đây, các loại đồ ăn như xôi, bánh, bún, đậu,… hay thậm chí là các thực phẩm tươi sống như thịt, cá,… được người bán hàng gói trong lá chuối dọc sẵn, hoặc rau được đựng trong tầu lá chuối rồi dùng dây thắt lại,... thì ngày nay ở khắp các khu chợ lớn, bé, bất kể thực phẩm nào cũng được đựng bằng túi nilon. Mặc dù ở siêu thị có bán loại túi dùng nhiều lần nhưng ít người mua và thay vào đó, họ thường chỉ dùng túi nilon phát sẵn.
   
  Chị Phạm Thị Xuyến, bán hải sản ở chợ xanh Định Công (Hoàng Mai – Hà Nội) đã gần mười năm nay cho biết, một ngày cửa hàng nhà chị dùng hết khoảng 600 túi nilon (tương đương với 1kg túi), giá 44.000 đồng/kg. Theo chị, trung bình một ngày chỉ có một hoặc hai khách xách làn nhựa đi chợ mua đồ hải sản, còn đa số mọi người đi tay không và khi về xách cá, tôm, cua,… đựng trong túi nilon.
   
Chị Hương, chủ một sạp hàng rau ở chợ Định Công trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT
   
  Chị Hương, chủ một sạp hàng rau ở chợ Định Công cho biết, mặc dù mới bán nhưng số lượng túi nilon cửa hàng chị tiêu thụ ước tính khoảng 30 túi/ngày loại 45.000 đồng/kg.
   
  Cách chợ xanh Định Công khoảng 1km, chị Nguyễn Thị Lan nhà số 10, ngõ 245 chợ Định Công chủ một cửa hàng hoa quả cho biết, một ngày quầy hàng nhà chị dùng hết khoảng 350 túi nilon (tương đương với 1kg). Theo chị Lan, so với loại túi rẻ, có nhiều chất liệu phụ gia (khoảng 30.000 đồng/kg) thì loại túi nhà chị đang dùng chất lượng hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn vì không có mùi như loại túi rẻ tiền.
   
  Gần ngay nhà chị Lan, chị Đoàn Thị Dung số nhà 8, ngõ 245 Định Công bán thịt ở chợ này ước tính một ngày chị dùng hết khoảng 100 túi nilon (xấp xỉ 0,2 kg) giá 50.000/kg. Theo chị, đối với mặt hàng thịt lợn nhà chị thì đa số người dân thích dùng túi nilon để đựng hơn túi sinh thái vì nó gọn nhẹ và tiện lợi hơn, ngoại trừ một số người già có thói quen đựng thịt trong chiếc làn nhựa như trước kia.
   
Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường
   
  Đa số người dân đều thừa nhận hữu ích đối với môi trường của túi sinh thái hay túi dùng nhiều lần song, họ cũng cho rằng túi nilon là loại túi gọn nhẹ, tiện lợi và đặc biệt là giá thành vẫn rẻ hơn nhiều. Điều quan trọng là thói quen sử dụng túi nilon ăn sâu vào tư duy của mỗi người dân, giờ thay đổi không phải là chuyện dễ. Chị Xuyến cho biết: “Giá cả chỉ là một phần, cơ bản là vì người dân đã quen với việc dùng túi nilon và họ mặc định chúng là loại túi bền nhất, sạch nhất và tiện dụng nhất nên khó có thể thuyết phục được họ chuyển sang dùng loại túi khác.”
   
  Còn chị Phạm Thu Hà – một khách hàng cho biết: “Người tiêu dùng sử dụng túi nilon quen rồi nên bây giờ khuyên chúng tôi chuyển sang dùng bất kỳ loại túi nào khác cũng là một việc khó khăn bởi không thể phủ nhận được sự tiện lợi của túi nilon. Như chị chẳng hạn, mỗi chiều sau khi hết giờ làm việc, chị thường tranh thủ qua chợ mua đồ ăn cho bữa tối rồi mới về nhà. Vì thế, tôi không thể xách theo làn hay loại túi cồng kềnh nào khác đến cơ quan từ sáng được.
   
  Theo chị Mai Lan Hương, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty Cổ phần Môi trường Tây Đô thì, đa phần người dân đều nhận thức được tác hại của túi nilon đối với môi trường và sức khỏe của họ. Tuy nhiên, do chính quyền các cấp phường, xã không triển khai nhiều hoạt động hay chương trình khuyến khích sử dụng túi giấy nên họ vẫn phải dùng đến túi nhựa hàng ngày. “Nếu thường xuyên có các chương trình vận động, tuyên truyền người dân không nên sử dụng túi nilon, hoặc phát túi giấy, túi vải không dệt miễn phí cho họ thì tôi nghĩ không có lý do gì mà người dân không chuyển sang dùng loại túi thân thiện. Và đương nhiên khi người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình như vậy thì để giữ khách, người bán hàng cũng sẽ sử dụng túi sinh thái, túi dùng nhiều lần thay vì dùng túi nilon.” - chị Hương cho biết thêm.
   
  Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt cộng đồng; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp kinh tế là trọng tâm kết hợp với giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và giải pháp khoa học công nghệ. Mục tiêu gần nhất đến năm 2015 là, giảm 40% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 20% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái chế 25% khối lượng chất thải là túi nilon khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt. 
   
  UBND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành công văn yêu cầu các Sở, ban ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng túi thân thiện với môi trường; thực hiện hiệu quả chương trình “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” từ nay đến năm 2020.
   
  Theo đó, Cục Thuế Thành phố, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ việc thu nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy để bảo đảm công bằng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các loại túi nilon thân thiện với môi trường.
   
Bài và ảnh:Mai Đan
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lon để bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO