Thay đổi diện mạo vùng miền núi

18/12/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 18/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Tọa đàm “Chính sách dân tộc - thành tựu và những vấn đề đặt ra”. Đây là một trong các hoạt động trước thềm Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc sẽ diễn ra vào 19/12.

Thứ trưởng Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, phát triển vùng dân tộc, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách dân tộc, phục vụ tốt hơn cho đồng bào các dân tộc. Thứ trưởng hy vọng, tới đây, đội ngũ trí thức, nhân sỹ trí thức và doanh nhân dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, luôn là chỗ dựa quan trọng của các cấp…

Toàn cảnh tọa đàm
Toàn cảnh tọa đàm

Nhiều kết quả nổi bật

Ủy ban Dân tộc cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2015, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc gần 135.880 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ Việt Nam khoảng 1.072 tỷ đồng thực hiện các dự án, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Sự đầu tư lớn trên góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Đến nay, tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã thực hiện 2.682 mô hình phát triển sản xuất, tổ chức 814 lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao kỹ thuật cho trên 1,3 triệu hộ. Tính đến tháng 12/1015 cả nước có 1.298 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 14,5%). Riêng các xã khó khăn, có 183 xã đã nỗ lực vươn lên từ xuất phát điểm dưới 13 tiêu chí nay đã đạt được 10 tiêu chí.

Thông qua Chương trình 135, đến nay, có 80 xã ĐBKK của 23 tỉnh và 372 thôn ĐBKK của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu năm 2015, có hơn 1,3 triệu hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Đã có 222.844 lượt hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng, trên 21.000 lượt hộ được hỗ trợ trồng rừng; 39.820 lượt hộ nghèo ở thôn bản vùng giáp biên giới được hỗ trợ 799,28 tấn lương thực.

Các chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, định canh định cư đã giúp ổn định cuộc sống cho 20.000 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) còn du canh, du cư và hỗ trợ đất cho trên 22,4 nghìn hộ và đất sản xuất cho gần 50.000 hộ. Tính đến nay, xây dựng trên 2 triệu công trình cấp nước sạch tập trung, hỗ trợ nước phân tán cho gần 50.000 hộ DTTS góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 80,5% năm 2012 lên 84% và ước đạt 85% năm 2015.

Công tác giáo dục ở vùng DTTS và miền núi đã có nhiều tiến bộ. 100% các xã có trường học. Hiện nay, cả nước có 294 trưởng phổ thôn dân tộc bán trú với  quy mô 80.832 học sinh, 4 trường dự bị đại học với quy mô trên 3.000 học sinh/năm. Bên cạnh đó, 100% xã có trạm y tế, 90% xã được phủ sóng phát thanh truyền hình…

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực

Ủy ban Dân tộc cho biết, bên cạnh nhưng kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế: Nhiều chính sách còn mang tính chủ quan, chưa tính đến đặc điểm địa bàn, hệ thống chính sách còn tản mạn, chưa đồng bộ… Nguồn vốn cho các chính sách tuy có tăng nhưng chưa thể hiện rõ tính ưu tiên. Đối với những chính sách của Ủy ban Dân tộc quản lý, nguồn lực bố trí thường chỉ đáp ứng 40 - 60% kế hoạch.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các chính sách cần có tính kết nối và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội của vùng DTTS, chú trọng tới 3 khâu đột phá: Hạ tầng, nguồn lực, thể chế. Ưu tiên đẩy mạnh nâng cao nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi, hỗ trợ giảm nghèo…

Thông qua đó, UBDT đề xuất Khung hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 theo 5 nhóm lớn: Chính sách phát triển kinh tế, chính sách xã hội, phát triển nguồn nhân lực, Chương trình 135, chính sách đảm bảo an ninh quốc phòng và hôi nhập… Đặc biệt, chính sách hỗ trợ vùng đặc thù như hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí chỗ ở cho người dân…

Hồng Phương

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi diện mạo vùng miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO