Thất thoát tài nguyên do thiếu minh bạch

24/10/2013 00:00

Theo các chuyên gia, việc quản lý các khâu từ khai thác, sử dụng đến xuất khẩu khoáng sản hiện nay ở nước ta thiếu minh bạch

   
(TN&MT) - Theo các chuyên gia, việc quản lý các khâu từ khai thác, sử dụng đến xuất khẩu khoáng sản hiện nay ở nước ta thiếu minh bạch, dẫn đến thất thoát lớn. Đã đến lúc Việt Nam cần có chính sách chặt chẽ hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
   
Thất thoát do đâu?
   
  Theo kết quả nghiên cứu độc lập của TS. Jerymy Weate - Công ty tư vấn quốc tế Adam Smith Việt Nam công bố, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí, khoáng sản khá đa dạng và phong phú với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng. Ngành khai khoáng đóng góp khoảng 10% - 11% GDP trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay.
   
  Báo cáo điều tra của Công ty tư vấn quốc tế Adam Smith cũng cho thấy, trong cơ cấu nộp thuế và phí của ngành khai khoáng hiện nay ở Việt Nam, có 30% nộp về ngân sách Nhà nước là các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu; 70% còn lại là các khoản nộp thuế tài nguyên, phí cấp phép, phí bảo vệ môi trường phí hoàn thổ môi trường, thuế sử dụng đất hay thuế sử dụng mặt nước, chi phí cho xã hội và các khoản lệ phí, chi phí khác là nộp về ngân sách địa phương... Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là có tới 90% doanh nghiệp khai khoáng cho biết, họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để  “bôi trơn” mới có được thông tin quy hoạch hoặc được cấp phép, đặc biệt ở cấp địa phương. Và do đó, có sự khai man về sản lượng khoáng sản thấp nhiều lần so với sản lượng khai thác thực tế nhằm trốn thuế.
   
   
  Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thông tin:  Riêng mặt hàng khoáng sản than hiện nay bị thất thoát trong khai thác hầm lò của Việt Nam đang ở mức 40-60%, nguyên nhân do công nghệ khai thác lạc hậu, nhưng cũng có nguyên nhân thất thoát là do chính doanh nghiệp không trung thực trong kê khai và mấu chốt vẫn là cơ chế.
   
  Kết quả nghiên cứu của Viện Tư vấn phát triển CODE về khai thác khoáng sản than và vàng trong hai năm 2009-2010 cho thấy, tổn thất trong khai thác than ở Quảng Ninh vào khoảng 7,3- 7,7%  đối với khai thác lộ thiên và 28- 31% trong khai thác hầm lò. Tổn thất trong chế biến cũng rất cao. Đơn cử ở khoáng sản vàng, tổng thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) hiện chỉ đạt khoảng 30% đến 40%. Trong khi chỉ tiêu thu hồi vàng ở các nước khác đạt từ 92-97%, và không chỉ mất mát mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
   
Cần minh bạch để bảo vệ tài nguyên khoáng sản
   
  Tại hội thảo Nghiên cứu khả thi về việc Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch hóa ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản.
   
  Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương dẫn tới thất thu ngân sách. Đặc biệt, việc công khai thông tin cũng như trách nhiệm giải trình của các bên trong công nghiệp khai khoáng còn rất hạn chế. Và hệ  lụy của nó là, người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng môi trường do khai thác khoáng sản gây ra. Theo Viện CODE,  địa phương cần công khai chi tiết danh mục doanh nghiệp được cấp phép khai thác, công khai việc thu phí và sử dụng phí bảo vệ môi trường do doanh nghiệp khai khoáng đóng vào những việc cụ thể. Bởi thực tế hiện nay, theo quy định một phần nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để lại địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế vùng khai thác khoáng sản. Nhưng tại hầu hết các tỉnh coi khoản thu này như nguồn thu ngân sách và sử dụng vào nhiều mục đích, không dùng hết nguồn này để hỗ trợ cho vùng có khoáng sản khai thác. Cộng đồng địa phương thậm chí còn không biết nguồn trích hỗ trợ là bao nhiêu và đã sử dụng vào việc gì?
   
   Đại sứ Anh quốc tại Việt Nam, ông Antony Stokes chia sẻ:  Sáng kiến Minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành khai thác khoáng sản. Đây là một tiêu chuẩn toàn cầu về minh bạch nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản bao gồm hai cơ chế chủ yếu: Thứ nhất, yêu cầu các công ty khai khoáng công khai các khoản chi cho chính phủ và ngược lại yêu cầu chính phủ công khai nguồn thu mà chính phủ nhận được từ các công ty khai khoáng; Thứ hai, EITI yêu cầu việc thành lập một cơ quan độc lập để đối chiếu các số liệu thu được, cơ quan này được quản lý và giám sát bởi một ủy ban hỗn hợp.
   
  Ông Antony Stokes mong muốn Việt Nam sớm tham gia EITI để bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý hơn.
   
Minh Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thất thoát tài nguyên do thiếu minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO