Thấp thỏm trong vùng sạt lở

28/10/2014 00:00

(TN&MT) - Trước thực trang sạt lở đất nguy hiểm ở núi Pu Căm, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Tương Dương di dời khẩn cấp 38 hộ dân ra khỏi khu vực này.

   
(TN&MT) - Trước thực trạng sạt lở đất nguy hiểm ở núi Pu Căm, bản Sốp Mạt, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Tương Dương di dời khẩn cấp 38 hộ dân ra khỏi khu vực này. Chính quyền hỗ trợ một phần kinh phí, giúp dân tháo dỡ, vận chuyển nhà đến nơi ở mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, nhất là san lấp mặt bằng, điện, nước, để người dân dựng nhà ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đã hai năm trôi qua mọi thứ vẫn đang chìm trong bế tắc.
   
Sống tạm trong âu lo
   
  Từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2012 đã diễn ra tình trạng sạt trượt núi Pu Căm ở bản Sốp Mạt, xã Lương Minh (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An). Ngay trong năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Tương Dương nhanh chóng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chưa kịp thực hiện thì năm 2013, hiện tượng này lại tiếp tục tái diễn. Sau trận mưa to kéo dài từ chiều tối ngày 1/7/2013 đã làm sạt trượt núi Pu Căm, mưa to, độ dốc núi cao đã làm đất bùn nhão vùi lấp 3 ngôi nhà của dân. Đến mùa mưa năm nay, các hộ dân này lại sống trong lo âu thấp thỏm. Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi có dịp ngược miền tây Xứ Nghệ, nghe người dân kể chuyện tái định cư ở bản Sốp Mạt quá khó khăn. Chính quyền địa phương vào cuộc nhưng đến nay mới chỉ có lác đác vài ngôi nhà tạm mọc lên ở khu tái định cư mới. Nguyên nhân khiến người dân không chuyển về nơi ở mới là chưa có điện, nước, tiền hỗ trợ quá ít, không đủ cho việc vận chuyển nhà và các vật dụng phục vụ sinh hoạt. Thế là từ 38 hộ năm 2012 nay đã là 44 hộ vẫn phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ nằm chênh vênh bên dòng sông Nậm Nơn.
   
Những ngôi nhà tạm chơi vơi bên sông hai năm nay
   
  UBND huyện Tương Dương đã khảo sát địa hình, lập khu TĐC mới di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong 44 hộ thì có 13 hộ làm đơn xin di cư tự do số còn lại đi theo dự án. Những tưởng họ sẽ sớm an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới thế nhưng khi bắt đầu chuyển ra nơi ở mới Piêng Có Phương thuộc bản Na Sám Hở thì vùng đất này cũng sạt lở nguy hiểm không kém vùng ở cũ. Ông Lô Thanh Bình, chuyên viên Phòng Công thương Tương Dương, cho biết: “Khi đang thi công ở Piêng Có Phương thì gặp mạch nước ngầm lớn nên bị sạt lở đành phải tìm nơi khác”.
   
  Sau 2 năm ở tạm, cuộc sống người dân nơi đây càng thiếu thốn trăm bề. Trước kia, khi còn sinh sống ở nơi cũ, bà con phát nương làm rẫy, không thiếu đất canh tác, nhà ít cũng có vài hec-ta đất sản xuất. Nhưng chuyển về nơi ở mới quỹ đất sản xuất không có, lại xa nương rẫy ở bản cũ, nên nhiều người dân vẫn chưa chuyển về nơi ở mới.
   
  Trưởng bản Lương Văn Thiện, buồn bã: “Cả bản có 44 hộ, trong đó 38 hộ được hỗ trợ tiền di dời đến nơi ở mới, 6 hộ phát sinh mới tách thì không được hỗ trợ, do nơi ở mới chưa có điện, nước, bà con không ra, điểm TĐC mới thuộc Bản Lạ nên đất sản xuất không có, lại xa nương rẫy nơi ở cũ. Năm 2013 thì được hỗ trợ mỗi khẩu 15kg gạo một năm, năm 2014 thì không được hỗ trợ gì cả”.  
   
Những ngôi nhà chênh vênh nơi tái định cư mới
   
  Khu tái định cư mới thuộc đồi K1 Bản Lạ thiếu thốn đủ bề, dù đã thực hiện từ 2 năm nay. Nhưng đến nay chỉ có 14 hộ chuyển về nơi ở mới, theo nhiều người dân ở đây, số tiền hỗ trợ không đủ cho việc vận chuyển nhà cửa.
   
  Mỗi ngôi nhà sàn kê được hỗ trợ 25 triệu đồng, nhà đất được hỗ trợ 23 triệu đồng, nhà chôn cọc được 22 triệu đồng cả nhà vệ sinh. Với số tiền này, không đủ cho người dân vận chuyển nhà cửa. Và, đây cũng là lý do khiến cho nhiều người dân không di dời đến nơi ở mới. Trong bản cũ còn nhà cửa, nếu trượt núi xảy ra thì sẽ chôn lấp hết cả bản, không những thế đất, đá có thể thay đổi dòng chảy của sông ảnh hưởng đến bản Minh Phương (Nơi ở tạm) gây nguy hiểm đến tính mạng người dân.
   
Người dân với tâm trạng lo lắng phản ánh với phóng viên
   
  Ông Nguyễn Vương Luyện, Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi Tương Dương, khẳng định: “Khu vực đó nguy hiểm vết nứt trước đây rộng 1m, giờ thì không biết sạt trượt lúc mô. Cả bản có hơn 300 nhân khẩu. Năm 2013 được hỗ trợ 6 tháng lương thực, năm 2014 chưa có chỉ đạo, 6 hộ phát sinh không nằm trong diện được hỗ trợ di dời”.
   
  Chị Lương Thị Yến, lo lắng: “Mùa mưa lũ đã đến, nếu không di dời nhà cửa sớm sẽ bị vùi lấp trong đất đá. Vì nguy cơ sạt lở núi, chúng tôi phải dời nhà cửa, từ bỏ quê cha đất tổ đến lập nghiệp ở nơi hoàn toàn xa lạ. Ở quê cũ còn làm nương rẫy để làm ăn, chuyển ra đây, đất không có, chỗ ở thì chật hẹp, lại xa nơi làm nương rẫy, ngay thứ yếu như nước cũng không có, đến nơi ở mới không biết làm gì mà sống”.
   
Cần nhanh chóng giải quyết
   
  Ở bản cũ, nếu mưa lớn xảy ra núi có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Điều này khiến cho UBND huyện Tương Dương phải vào cuộc quyết liệt, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay đã 2 năm trôi qua, người dân Sốp Mạt vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ.
   
  Ngay sau khi tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, BQL dự án đã đầu tư kinh phí xây dựng bể nước phục vụ đời sống dân sinh. Thế nhưng, đến nay bể chứa nước vẫn chưa hoàn thành. Nhiều hộ chuyển đến nơi ở mới thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Cực chẳng đã, họ đành phải cuốc bộ đi lấy nước về dùng tạm.    
   
   
Một góc bản Sốp Mạt với những ngôi nhà cũ tạm bợ
   
  Ông Trịnh Minh Châu - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Sốp Mạt là điểm có nguy cơ sạt lở cao, nên huyện đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, do điểm tái định cư mới cũng sạt lở, nên huyện chỉ đạo ban quản lý dự án tìm địa điểm mới bên cạnh điểm TĐC bị sạt lở, tiền hỗ trợ mỗi hộ dân là 20 triệu đồng, ngoài ra các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Với số tiền này không đủ để người dân, trang trải cuộc sống cho nơi ở mới, nhưng đó là quy định”.   
   
  Cho đến nay, một số hộ bất chấp nguy hiểm quay lại bản cũ để làm nương rẫy, kiếm sống từng ngày. Chính quyền địa phương đang cố gắng vận động nhân dân di dời đến nơi ở mới. Ngoài khu vực này thì phía hạ nguồn sông Nậm Nơn còn có hàng trăm hộ dân thuộc bản Nhãn Săn có nguy cơ ngập chìm trong nước khi mùa mưa tới do thủy điện Nậm Nơn xây dựng. Theo lãnh đạo huyện này thì việc tái định cư các hộ do ảnh hưởng của thủy điện thì dự án thủy điện phải có trách nhiệm di dời. Trong khi quyết định hỗ trợ di dời của Thủ Tướng chính phủ ghi rõ…UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích, đối tượng, có hiệu quả số vốn hỗ trợ và theo đúng quy định hiện hành, đồng thời bố trí từ nguồn ngân sách địa phương, huy động các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ lương thực cho 38 hộ dân và đầu tư thực hiện dự án nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân…
   
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính trích 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2012 hỗ trợ tỉnh Nghệ An để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở. Tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cho khu tái định cư bản Sốp Mạt. Huyện Tương Dương cũng tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí, giúp dân tháo dỡ, vận chuyển nhà đến nơi ở mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, nhất là san lấp mặt bằng, điện, nước, để người dân dựng nhà ổn định cuộc sống. Tuy nhiên đã hai năm trôi qua, những ngôi nhà của dân chủ yếu vẫn ở nguyên tại chỗ còn người dân dời ra nơi ở tạm bên sông, cách đó không xa.
    
P. Tuân – Q. Bình
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm trong vùng sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO