Thấp thỏm thở!

12/10/2017 00:00

(TN&MT) - Sự việc công nhân Công ty Vĩnh Lộc (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP. HCM) nạp khí NH3 từ xe bồn sang bồn chứa của công ty, đường ống bị bể hôm 10/10, dẫn đến xì khí độc ra ngoài khiến nhiều người bị thương, động vật bị chết, cây trồng héo úa… một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về an toàn lao động tại các nhà máy có sử dụng hóa chất.

Tử thần rình rập

Sự cố hóa chất xảy ra với tần suất ngày càng nhiều với quy mô tác động và tính chất nguy hiểm cao. Nguyên nhân là do nhiều cơ sở hoạt động hóa chất nằm xen cài trong khu dân cư, các cơ sở công nghiệp, kinh doanh thương mại nhưng lại thiếu giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất.

Theo một nghiên cứu của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp không trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất chiếm 45%. Số lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về an toàn hóa chất là 20%. Tình trạng lơ là, mất cảnh giác với cháy nổ hóa chất còn thấy rất rõ ở cả các doanh nghiệp sản xuất đặc thù hàng ngày, hàng giờ, phải sống chung với hóa chất độc hại.

Có thể điểm lại một số sự cố hóa chất là tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng năm 2010 làm 3 người thiệt mạng và gây ô nhiễm môi trường nhưng đơn vị nhập khẩu thiết bị có hóa chất thuộc danh mục phải xây dựng kế hoạch ứng phó lại không khai báo với cơ quan chức năng cũng như không xây dựng kế hoạch ứng phó. Tiếp đó, vụ nổ kinh hoàng ở Công ty Sản xuất Dịch vụ Thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12, TP. HCM) , khiến 8 người thương vong và hơn 100 căn nhà đổ sập hoàn toàn, hư hỏng một phần và nứt tường tốc mái.

Lực lượng Cảnh sát PCCC xử lý sự cố tại hiện trường hôm 10/10 - Ảnh; Nhật Thái
Lực lượng Cảnh sát PCCC xử lý sự cố tại hiện trường hôm 10/10 - Ảnh: Nhật Thái

Trở lại vụ việc rò rỉ hóa chất chiều 10/10 tại TP. HCM, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh cho hay, xác định sự cố rò rỉ khí NH3, một loại khí rất độc, lực lượng đã phong toả ngay hiện trường để đảm bảo an toàn. Theo điều tra ban đầu, sự việc xảy ra khi công nhân chiết nạp khí NH3 hóa lỏng vào chai lọ. Đang làm thì bình gas phát nổ, dẫn đến bể đường ống dẫn khí NH3. Sau khi đo đạc nồng độ NH3 trong môi trường tại khu vực, Sở Y tế TP. HCM thấy nồng độ tại cơ sở sang chiết vẫn còn cao nên khuyến cáo người dân mở cửa cho thông thoáng.

Ba trong bốn trường hợp được đưa đi cấp cứu đã ổn định nhưng vẫn được bệnh viện lưu lại theo dõi, người còn lại vẫn thở oxy. Theo người dân quanh vùng, năm 2008 trạm sang chiết khí gas này đã từng nổ một lần.

Luật có vẫn khó thực thi

Trong quá trình sản xuất công nghiệp, các chất thải nguy hại có chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, nổ,  ăn mòn, lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác là điều khó tránh khỏi.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, chất thải độc hại phải được quản lý, xử lý trước khi đưa ra môi trường, song do nhiều yếu tố việc thực hiện vẫn còn những bất cập. Các chuyên gia về môi trường nhận định, nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật cho lĩnh vực này mang tính đơn lẻ, không thống nhất yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn chung chung. Do vậy, rất khó cho cơ quan chức năng liên quan vận dụng để quản lý trong thực tế.

Do vậy, Tổng cục Môi trường đã ký 2 Quyết định số 588/QĐ-TCMT và 589/QĐ-TCMT về việc ban hành 8 Hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát phát thải hóa chất nguy hại vào môi trường. Trong đó, đáng chú ý, là các hướng dẫn kỹ thuật về đăng ký phát thải, lưu giữ và vận chuyển hóa chất nguy hại trong sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường do phát thải hóa chất nguy hại; quan trắc các hóa chất nguy hại phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; đánh giá rủi ro do phát thải hóa chất nguy hại của một số ngành công nghiệp; kiểm kê phát thải và bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất công nghiệp có sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; về quan trắc, đánh giá ô nhiễm và rủi ro môi trường và dư lượng một số chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy sử dụng trong nông nghiệp…

7 nguyên tắc ứng phó sự cố

Mới đây, Quyết định số 26 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc nêu rõ hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc phải thực hiện theo 7 nguyên tắc.

Cụ thể, tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư trang thiết bị, các phương án hợp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố hóa chất độc; tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin sự cố hóa chất độc kịp thời, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố hóa chất độc, ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, chủ động ứng phó gần nguồn hóa chất độc để ngăn chặn, hạn chế hóa chất độc rò rỉ, phát tán ra môi trường. Giám sát chặt chẽ nguy cơ lan tỏa hóa chất độc vào đường bờ để xác định thứ tự ưu tiên và tiến hành các biện pháp bảo vệ các khu vực ưu tiên bảo vệ; đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ trong ứng phó sự cố;

Đồng thời, chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó; bên gây ra sự cố hóa chất độc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố hóa chất độc gây ra theo quy định của pháp luật.

Phương Anh

 

 

 

 

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm thở!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO