Tháo gỡ bất cập trong triển khai hệ thống thoát nước TP Thanh Hóa

08/06/2015 00:00

(TN&MT) - Tính đến thời điểm hiện tại, sau nhiều năm, nhiều chương trình và nhiều dự án đã và đang được triển khai hệ thống thoát nước TP Thanh Hóa về cơ bản đã đảm trách được nhiệm vụ vốn có của mình. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều sự khập khiễng, thiếu đồng bộ và tính liên hoàn khiến toàn bộ hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập.

Nhiều bất cập

Mạng lưới hệ thống thoát nước có tổng chiều dài 187,16 km, trong đó có 7 km là mương đất còn lại là cống cứng kín, bao gồm tuyến ống cấp 1 có đường kính 1 – 3 m là 9,832 km, tuyến ống cấp 2 có đường kính 0,8 – 1,4 m là 16,94 km và tuyến ông cấp 3 có đường kính 0,4 – 0,6 m dài 160,392 km. Hệ thống tuyến ống và đường gom hầu hết đã khủ phắp các tuyến phố, con đường trong các phường, xã tuy nhiên đến này khi có mưa vừa vẫn còn tồn tại nhiều điểm ngập lụt cục bộ. Do hệ thống tiêu thoát nước nhiều năm xuống cấp, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên. Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao trong việc xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến giảm tiết diện ống tiêu thoát nước, nhiều xe cộ vận chuyển cát sỏi vương vãi, vật liệu xây dựng tại các công trình để không đúng quy định khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng tại nhiều điểm chưa thể giải quyết.

Nước thải ô nhiễm từ các khu dân cư chảy thẳng xuống sông Hạc
Nước thải ô nhiễm từ các khu dân cư chảy thẳng xuống sông Hạc

Không những thế, các hệ thống sông, kênh thoát chảy qua khu vực nội thị cũng đang sống trong “hấp hối” từ những hệ lụy do con người gây ra. Sông Nhà Lê đoạn chảy qua Cầu Cốc, Phường Lam Sơn nhiều năm bị che kín bởi hàng trăm nghìn cây tre, luồng trải dài khắp một khúc sông. Nước sông đổi màu đen quánh, mùi hôi thối nồng nặc từ nước sông ám ảnh người qua đường và các hộ dân sinh sống cả chục năm nay. Cùng với đó, con sông này còn hứng gần hết lượng nước thải từ hệ thống thoát nước của các cụm dân cư nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề. Kênh Vinh, sông Hạc… cũng chung số phận với sông Nhà Lê, rác thải, nước thải, thậm chí cả đất đá cũng được đổ thẳng xuống các dòng sông không chỉ gây ô nhiễm mà còn gây ách tắc, biến dạng dòng chảy gây khó khăn trong việc tiêu thoát nước và điều hòa cho thành phố.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đỗ Huy Tiếp – Trưởng phòng TN&MT TP Thanh Hóa cho biết: Trước năm 2010, tình trạng ngập úng trong nội thị là thường xuyên, tuy nhiên sau năm 2010 đến nay thì tình trạng ngập úng cơ bản đã được giải quyết nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình, là nước thải sinh hoạt của tất cả các khu dân cư chưa có đường gom riêng mà đều đổ chung vào hệ thống thoát nước mưa của thành phố khiến hệ thống này quá tải và ô nhiễm. Hơn nữa, các điểm xả nước từ hệ thống này ra môi trường lại chủ yếu là dòng kênh, hồ, sông trong hoặc chảy qua địa bàn thành phố lại càng khiến tình trạng ô nhiễm gia tăng. Cùng với đó, ba khu công nghiệp trên địa bàn thành phố: KCN Hoàng Long, KCN Tây Bắc Ga và KCN Lễ Môn đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng thực tế một số KCN chưa đi vào vận hành hoặc vận hành không thường xuyên nên tình trạng xả ra các kênh tiêu, kênh thoát vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch, xây dựng còn thiếu sự đồng bộ, liên hoàn, nhiều bộ phận thiếu sự hợp nhất nên ảnh hưởng đến chức năng vận hành của toàn bộ hệ thống.

Đâu là giải pháp?

Năm 2010, TP đưa hệ thống thoát nước thuộc Dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung thuộc Tiểu dự án Thanh Hóa, cùng với sự đóng góp của cộng đồng dự án đã xây dựng được 14 công trình như: mương rãnh thoát nước cho các tuyến đường trong thành phố, nâng cấp mặt đường ngõ xóm… qua đó cải thiện đáng kể môi trường sống và làm giảm lầy lụi, bụi bẩn, bước đầu đã nâng cao chất lượng của hệ thống thoát nước. Dự án cải tạo hồ nội thị: hồ Thành, hồ Đồng Chiệc… nhằm tăng dung lượng tích nước và đảm bảo tiêu nước điều hòa cho toàn thành phố. Rồi Dự án Tiêu úng Đông Sơn có tổng vốn đầu tư lên đến 733 tỷ đồng mang lại nhiều hy vọng cho nhân dân các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa trong việc hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát nước phục vụ sản xuất, đời sống và cải thiện môi trường của địa phương.

Rác thải và nước thải ngập ngụa, bóp nghẽn sông Nhà Lê
Rác thải và nước thải ngập ngụa, bóp nghẽn sông Nhà Lê

Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế nhiều tuyến phố vẫn nhầy nhụa trong nước khi chỉ có mưa vừa, nhiều hồ được cải tạo để điều hòa cho thành phố nhưng lại hóa hồ “chết” vì không có đường cấp, tiêu nước, tất cả phụ thuộc vào ông giời. Hy vọng lắm, thất vọng nhiều của người dân với Dự án Tiêu úng Đông Sơn sau gần 6 năm khởi công xây dựng thì dự án vẫn dậm chân tại chỗ, việc hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát nước, cải thiện môi trường cũng đã sắp “bốc mùi” trên giấy.

Giờ đây, người dân đang mong chờ vào Hợp phần Xây lắp hồ điều hòa xử lý nước thải thuộc Dự án phát triển toàn diện kinh tế xã hội TP Thanh Hóa với tổng đầu tư trên 120 tỷ đồng đang được triển khai xây dựng tại xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa. Nếu hợp phần này đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý được những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống thoát nước trong thành phố, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các nguồn thải.

Để tất cả các dự án, các hệ thống thoát nước được hợp nhất và đi vào hoạt động một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và đạt hiệu quả thiết nghĩ các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm sâu sát hơn nữa có như vậy TP Thanh Hóa ngày một xanh, sạch, đẹp.

Bài & ảnh: Thu Thủy- Anh Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ bất cập trong triển khai hệ thống thoát nước TP Thanh Hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO