Thành phố Hồ Chí Minh: Nguy cơ xâm nhập mặn các sông chính

11/12/2017 00:00

(TN&MT) - Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô trên sông Sài Gòn diễn ra ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước cho TP. HCM.

Nhằm cung cấp cơ sở hoạch định chiến lược, giải pháp thích ứng cho địa phương, các nhà khoa học thuộc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu “Nguy cơ xâm nhập mặn các sông chính tại TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL; Thí điểm tại 1 huyện điển hình” (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình KH&CN ứng phó với BĐKH, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 – 2020.

Xác định nguy cơ theo 2 kịch bản BĐKH

Các nhà khoa học đã sử dụng các phương pháp mô hình hóa và GIS để đánh giá nguy cơ xâm nhập mặn các sông chính ở TP. HCM đến năm 2100 theo 2 kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng RCP4.5 (có thể được áp dụng đối với các tiêu chuẩn thiết kế cho các công trình mang tính không lâu dài và các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn) và  RCP8.5 (có thể được áp dụng cho các công trình mang tính vĩnh cửu, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn).

xâm nhập mặn trên sông sài gòn đang đe dọa nguồn cấp nước cho TP Hồ Chí Minh
Xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn đang đe dọa nguồn cấp nước cho TP Hồ Chí Minh

Sông Sài Gòn và sống Đồng Nai là 2 con sông phục vụ chính cho mục đích cấp nước của thành phố. Theo đó, các ranh mặn ảnh hưởng đến chất lượng nước sông được tập trung phân tích tương ứng với vị trí trạm bơm nước thô Hòa Phú (Củ Chi) trên nhánh sông Sài Gòn và trạm Hóa An (Đồng Nai) trên nhánh sông Đồng Nai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo thời gian, các ranh mặn ngày càng tăng cường và di chuyển sâu về phía thượng lưu. Chênh lệch độ mặn có thể thấy rõ từ giữa đến cuối thế kỉ 21. Trên nhánh sông Sài Gòn, tương ứng các mốc thời gian 2025, 2030, 2050 và 2100, theo kịch bản RCP4.5, ranh mặn 0,25%o cách trạm bơm Hòa Phú tương ứng 0,75 km; 1,6 km; 4,09 km và 6,22 km so với các thông số 0,75km; 1,6 km;  4,6 km và 8,6 km theo kịch bản RCP8.5

Trên nhánh sông Đồng Nai, ranh mặn 0,25%o cách trạm bơm Hóa An tương ứng 3,7 km; 4,9 km; 7,7 km và 11,7 km theo kịch bản RCP4.5 so với 3,7 km; 4,9 km; 8,1 km và 16,2 km theo kịch bản RCP8.5. với cả 2 kịch bản, ranh mặn 0, 25%o của các năm sau càng lúc càng cách xa ranh mặn của năm 2013 và cho thấy hiện tượng mặn hóa ngày càng gia tăng, vùng an toàn cho sử dụng nguồn nước ngày càng bị thu hẹp.

Nghiên cứu cũng cho ra kết quả tương tự với các ranh mặn 0,5%o, 1%o, 2%o, 4%o,8%o, 18%o. ranh mặn có xu hướng dịch chuyển về phía thượng lưu theo thời gia, xâm nhập dần vào nội đồng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt. Nghiên cứu cũng chỉ ra các vùng cấp nước ăn toàn trong mối quan hệ với các ranh mặn.

Cần nâng cao hiệu quả của công trình ngăn mặn

Để ứng phó xâm nhập mặn, Chính phủ đã có kế hoạch triển kahi các công trình ngăn mặn, bước đầu quy hoạch 6 cống ngăn triều tại các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Trong quy hoạch thủy lợi giai đoạn 1, các công trình khởi công xây dựng từ tháng 6/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng tháng 6/2019. Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông.

ảnh :  Phối cảnh kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn - đoạn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh
Phối cảnh kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn - đoạn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh

Các cống chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định – có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, bảo đảm không cao hơn mực nước cho phép, đồng thời, không cản trở đến giao thông thủy liên vùng. Bên cạnh đó, các công trình cống nhằm mục tiêu kiểm soát triều, chủ động ứng phó BĐKH cho khu vực TP. HCM; ngăn và hạn chế nước biển xâm nhập nội đồng, điều tiết lưu lượng nước tiêu thoát vào hệ thống kênh rạch trong khu vực.

Các cống ngăn triều xây dựng chủ yếu nằm ở các đoạn giao nhau đi vào nội đồng . Trường hợp đến năm 2019, các công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động, khả năng xâm nhập mặn trên các sông nhỏ giảm đáng kể. Nhánh Bến Lức, kênh Đôi – kênh Tẻ, rạch Phú Xuân (Quận 7), rạch Cây Khô (nhà Bè). Ngược lại, không ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực đối với 2 nhánh sông chính Sài Gòn và Đồng Nai, bởi nguy cơ xâm nhập mặn các sông này tương đồng với trường hợp không có công trình ngăn mặn.

Vào năm 2025, tại vị trí cách trạm Phú An 1,3 km, cách cống Bến Nghé gần 1 km theo nhánh Bến Lức (quận 1), nồng độ mặn giảm gần 36% khi các công trình hoạt động. Trên nhánh Sài Gòn, quan sát ngẫu nhiên tại vị trí cách trạm Phú Cường khoảng 100m về phía Thượng Lưu và cách trạm bơm nước Hòa Phú 500m về phía hạ lưu, nồng độ mặn không thay đổi đáng kể giữa 2 trường hợp. Từ đó có thể thấy, công trình ngăn triều có khả năng giảm mặn khi đi vào nội đồng, giảm mặn cho nguồn nước sản xuất và tưới tiêu nhưng lại không có nhiều tác dụng đối với hai nhánh ống chính. Bởi vậy, cần tìm kiếm các giải pháp để cản trở quá trình xâm nhập mặn sau về thượng lưu trong thời gian tới và nâng cao hiệu quả của các công trình ngăn mặn.

Vy Huyền

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nguy cơ xâm nhập mặn các sông chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO